Bộ GTVT đề xuất tiếp tục giảm 50% phí cất hạ cánh cho các hãng hàng không, đồng thời áp dụng giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ tại sân bay để tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh.
Bộ GTVT vừa có văn bản đề xuất Chính phủ hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Kiến nghị giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh với chuyến bay nội địa
Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa. Ngoài ra, tiếp tục áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá (thuê sân đỗ máy bay, thuê băng chuyền hành lý, thuê tra nạp xăng dầu…) đến hết năm nay.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không (VABA) đã đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn trong năm 2021. Cụ thể, VABA đề nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ cho các hãng hàng không khác như đã áp dụng với Vietnam Airlines.
Trong đó, VietJet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong 3 năm (2021-2023) với lãi suất ưu đãi 4%. Bamboo Airways cũng đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ.
VABA cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900-1.000 đồng/lít; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…
Đơn vị đề xuất được giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 10/2020 cho đến hết năm nay.
Nhiều đề xuất với lĩnh vực đường bộ
Với lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT kêu gọi sự phối hợp hỗ trợ từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm thuế phí và giảm lãi vay tín dụng cho các doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với ôtô chở khách và 10% với ôtô vận tải hàng hóa đến hết năm 2021.
Bộ cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12 (không tính lãi chậm nộp); không thu phí đậu xe, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến hết năm 2021.
Ngân hàng Nhà nước xem xét tiếp tục hỗ trợ giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi, áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 đến 12 tháng cho doanh nghiệp…
Với lĩnh vực vận tải đường sắt, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho lùi thời gian áp dụng quy định về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm và tạo điều kiện cho các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt được vay vốn ưu đãi của ngân hàng…
Với lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT kiến nghị bổ sung đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 là các thuyền viên làm việc trên tàu và hỗ trợ thủ tục nhập cảnh cho sĩ quan, thuyền viên Việt Nam quá thời hạn hợp đồng lao động được hồi hương.
Đơn vị cũng đề xuất xem xét đưa thuyền viên Việt Nam đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ của Chính phủ.
Theo Ngọc Tân/Zingnews.vn