Chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT đề xuất giao cho ACV “độc quyền” quản lý các sân bay “siêu lợi nhuận” là tuỳ tiện, thiếu cơ sở pháp lý, thiếu cơ sở lý luận và không có hệ thống. Vì ACV đang là công ty cổ phần, không phải công ty nhà nước để thay mặt nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư.
Trong đề án định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất chỉ xã hội hoá đầu tư tại các Cảng hàng không nhỏ, sản lượng khai thác và hiệu quả sản xuất kinh doanh có khả năng thu hồi vốn chậm. Trong khi những Cảng hàng không sinh lợi nhuận cao lại “bật đèn xanh” giao cho ACV quản lý, khai thác “độc quyền” đang gây ra nhiều cãi.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) độc quyền 22 Cảng hàng không, chỉ xã hội hoá 3 cảng nhỏ lẻ gồm: Sân bay Sa Pa; Sân bay Lai Châu; Sân bay Quảng Trị. Việc phát triển hạ tầng sân bay dựa vào chỉ một doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng hàng không – ACV có khả thi?
Trong khi dư luận vẫn chưa hết “nóng” về vấn trên, thì mới đây Bộ Tài chính có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động thu phí phương tiện vào sân bay của ACV và chỉ ra hàng loạt những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý khai thác đất đai tại các sân bay.
Theo Bộ Tài chính, phần giá trị tài sản trên đất (đường dẫn vào sân bay) do ACV đầu tư và có thu tiền – khi đó là có mục đích kinh doanh nên phải nộp tiền thuê đất theo quy định. “ACV phải bị truy thu đủ số tiền thuê đất từ khi bắt đầu thực hiện thu phí”, Bộ Tài chính đề nghị.
Liên quan tới vấn đề trên, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không, cho rằng đề xuất của Bộ GTVT tuỳ tiện, thiếu cơ sở pháp lý, thiếu cơ sở lý luận và không có hệ thống. Vì ACV đang là công ty cổ phần, không phải công ty nhà nước để thay mặt nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Đối với việc này, cần phải làm rõ nguyên tắc sở hữu và quản lý điều hành hoạt động sân bay và nguyên tắc hợp tác công – tư trong đầu tư và sở hữu sân bay.
Theo đó, nguyên tắc sở hữu và quản lý điều hành hoạt động sân bay: Tài sản sân bay là một khối chung bao gồm hai phần chính là khu bay (airside) và khu hàng không dân dụng. Khu bay bao gồm các đường băng cất hạ cánh, các đường lăn, hệ thống sân đỗ máy bay, trung tâm kiểm soát không lưu, xưởng bảo dưỡng máy bay…
Khu bay được kiểm soát nghiêm ngặt mà chỉ các hành khách đã qua kiểm soát và các nhân viên sân bay có trách nhiệm mới được cấp phép vào ra từng khu vực liên quan. Khu hàng không dân dụng bao gồm các nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu thương mại dịch vụ sân bay, đường dẫn vào ra nhà ga hành khách, bãi đỗ ôtô…
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống phân tích, khi cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, khu bay được tách ra khỏi tài sản của ACV. ACV sau khi cổ phần hóa được khai thác và thu phí khu hàng không dân dụng, là phần “béo bở” đem lại nhiều lợi nhuận và ACV hiện có trong tay cả chục ngàn tỷ đồng. Còn Nhà nước giữ lại khu bay, là phần “xương xẩu” không có lợi nhuận mà phải có trách nhiệm tiếp tục đầu tư sửa chữa để doanh nghiệp cổ phần ACV khai thác và thu phí khu hàng không dân dụng.
Lấy dẫn chúng từ các sân bay nước ngoài, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết, hầu hết các sân bay lớn trên thế giới đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước, của các cơ quan chính quyền địa phương, vùng miền, hay quốc gia. Các cơ quan nhà nước này có thể trực tiếp điều hành hoạt động sân bay hay thành lập các tổng công ty, các công ty sân bay để giao nhiệm vụ giám sát và điều hành hoạt động của sân bay. Đa số áp đảo (86%) của 4.300 sân bay thương mại trên thế giới hoàn toàn sở hữu công, chỉ một thiểu số 14% là hợp tác công – tư PPP (Public – Private Partnership).
Hợp tác công – tư trong lĩnh vực công cộng truyền thống nhằm mục đích gia tăng nguồn tài chính trong hoàn cảnh ngân sách hạn hẹp và nhằm bổ sung năng lực quản lý của doanh nghiệp tư nhân cho hoạt động hợp tác chung này. Việc hợp tác công – tư theo nguyên tắc cổ phần sở hữu chung toàn thể sân bay chứ không tách biệt ra từng loại hạng mục. Tư nhân có thể đầu tư cho từng loại hạng mục của sân bay để đóng góp vốn đó vào tài sản chung của sân bay và chiếm tỷ lệ tương ứng trong sở hữu chung toàn thể sân bay.
Trước những ý kiến cho rằng, ACV là công ty cổ phần có yếu tố tư nhân nước ngoài, nếu giao ACV “độc quyền” khai thác quản lý sẽ bất công với các nhà đầu tư tiềm năng trong nước, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống bày tỏ quan điểm, Hiện ACV đã cổ phần hóa và Nhà nước chỉ nắm giữ 95,3% vốn điều lệ đã đem lại siêu lợi nhuận cho ACV và các cổ đông tư nhân, cổ đông nước ngoài.
Với tình hình hiện nay thì ACV tiếp tục duy trì “độc quyền” quản lý khai thác các sân bay và các cổ đông tư nhân, cổ đông nước ngoài ở ACV sẽ tiếp tục được hưởng siêu lợi nhuận và bất công với các nhà đầu tư tiềm năng khác.
Sau khi xem xét báo cáo của Bộ GTVT, Bộ Tư Pháp đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không nêu trên (trừ cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) đề làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chie thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.
|