Việc sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần hạn chế tình trạng nhập lậu mặt hàng đường cát.
Tại thị trường trong nước, giá đường vẫn đang giao dịch quanh mức 18 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 10-15% so với giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, theo Hiệp hội mía đường, ngành mía đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn do không thể tiêu thụ được sản phẩm vì không đủ sức cạnh tranh được với đường nhập khẩu và cả nhập lậu.
Theo thông tin do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends khảo sát, trong giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2-1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30-90% trong tổng lượng nhập khẩu, tùy theo từng năm, phần còn lại (10-70%) là đường nhập lậu.
Do bị đường ngoại cạnh tranh, ngành mía đường Việt Nam đang có xu hướng co giảm: Diện tích trồng mía giảm từ hơn 274 nghìn ha trong vụ 2016-2017 xuống còn gần 151 nghìn ha hiện nay, tương đương mức giảm trên 45%. Số hộ tham gia trồng mía giảm từ gần 219,5 nghìn hộ xuống ở mức hiện nay. Từ chỗ có 38 nhà máy chế biến (năm 2017) nay giảm xuống chỉ còn 29 nhà máy.
Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng đường nhập lậu đang bán giá rẻ hơn so với đường trong nước từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, lại không phải đóng thuế, khiến đường trong nước không cạnh tranh được.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết: “Để nhà máy bán có lãi thì giá phải 19.000 đồng/kg nhưng đường lậu thì 16.000 đồng/kg là bán được rồi. Đường lậu họ mua đứt bán đoạn thì giá nào họ cũng bán được. Do đó, mấy tháng nay, các nhà máy đường làm ra từ mía cứ để tồn kho. Vừa rồi các nhà máy thử bán lỗ cũng không được vì bán ra bao nhiêu là đường lậu họ bán xuống bấy nhiêu”.
Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất mía đường đang phải tồn kho 80% sản lượng đường sản xuất ra. Trước tình trạng trên, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường, để ngăn chặn đường nhập lậu.
Theo Bộ Tài chính, việc sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; giúp người tiêu dùng, nhà sản xuất, doanh nghiệp có thể truy xuất thông tin về sản phẩm; cơ quan chức năng cũng dễ dàng kiểm tra, giám sát được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, phục vụ việc kiểm tra/thanh tra trong nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên thị trường.
Đối với bao đường đóng gói từ 20kg trở lên, sẽ áp dụng tem điện tử sử dụng công nghệ RFID được dán ở 2 đầu của bao đường. Đối với bao đường đóng gói dưới 20kg thì sẽ áp dụng tem điện tử gắn mã QR code. Tem này có thể in dưới dạng giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì đóng gói sản phẩm để giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc, cơ sở sản xuất của sản phẩm.
Tem dán sẽ chứa đựng đầy đủ thông tin về chủng loại đường, tên, địa chỉ sản xuất, xuất xứ sản phẩm, cũng có thể tra cứu được thông tin về lô hàng nhập khẩu, địa điểm nhập khẩu. Điều này giúp doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm, thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, thanh tra chống buôn lậu.
Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng, việc dán tem truy xuất mặt hàng đường là hoàn toàn cần thiết. Tem dán lên bao đường không chỉ đơn giản là phân biệt đường trong nước, nhập khẩu, hay đường lậu mà còn phải đáp ứng được việc truy xuất các dữ liệu.
Hiện nay, Hiệp hội mía đường Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan chức năng để thiết kế tem dán điện tử truy xuất nguồn gốc cho mặt hàng đường. Việc dán tem này được kỳ vọng không chỉ phòng chống được tình trạng đường nhập lậu, mà còn giúp phòng chống tình trạng quay vòng hồ sơ đấu giá đường nhập lậu.
Theo Minh Vân/Chất lượng&Cuộc sống