Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc điện tử

An toàn thực phẩm (ATTP) là 1 trong 4 trụ cột của chương trình “Thành phố 4 an” của Đà Nẵng, với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành điểm đến thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, mỗi ngày Đà Nẵng phải nhập một lượng nông sản lớn từ các tỉnh, thành thông qua chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung trước khi phân phối đến thị trường bán lẻ. Khi chuỗi cung ứng thực phẩm ngày càng mở rộng với sự đa dạng của nguồn cung, kéo theo mối nguy về mất an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp…

Số hóa truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Trong bối cảnh đó, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc mang lại sự ổn định về chất lượng, độ an an toàn của thực phẩm trong chuỗi cung ứng. Từ cuối tháng 10/2021, Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng đã triển khai Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử. Theo đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho phép 3 bên cùng tham gia gồm: cơ quan nhà nước với chức năng quản lý, xem báo cáo thống kê, kiểm tra, tiếp nhận các thông tin về mất ATTP. Cơ sở thực phẩm được ghi nhận thông tin theo từng mắt xích, chia sẻ thông tin và kết nối thông tin với nhau để tạo thành thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng. Người tiêu dùng truy được nguồn gốc sản phẩm, đánh giá thực phẩm an toàn, báo cáo mất ATTP lên cơ quan chức năng.

Việc truy xuất nguồn gốc điện tử giúp các “thượng đế” truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm nhanh chóng qua ứng dụng di động bằng việc quét QR code được dán trên sản phẩm. Các QR code là duy nhất cho mỗi gói sản phẩm đảm bảo tính nhất quán về thông tin. Theo kế hoạch, hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử ở Đà Nẵng sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu đối với 4 chuỗi sản phẩm và chia thành 2 giai đoạn: thịt – trứng (giai đoạn 1); Rau – trái cây, thủy sản, sản phẩm bao gói (giai đoạn 2). Được biết, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm là hợp phần quan trọng trong Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 tại Đà Nẵng.

Hiện, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố đang triển khai giai đoạn 1 trên sản phẩm thịt – trứng, với 13 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trong đó, chuỗi sản phẩm thịt áp dụng truy xuất thông tin theo trình tự từ lò mổ, pha lóc đến đơn vị phân phối (chuỗi cửa hàng bán lẻ). Mỗi sản phẩm thịt tham gia hệ thống đều có dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi đăng ký tham gia hệ thống đều được miễn phí, được hỗ trợ các vật tư phù hợp như, thẻ QR Code, tem QR Code. Bên cạnh đó, hiện cũng đang có khoảng 3.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử. Các cơ sở này đều được gắn bảng QR-Code định danh, cập nhật vị trí nhà hàng, cửa hàng ăn uống trên bản đồ an toàn thực phẩm của thành phố để người tiêu dùng, khách du lịch được biết và lựa chọn.

Đôi bên cùng hưởng lợi

Điều kiện doanh nghiệp đăng ký tham gia và được cấp tài khoản truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử gồm: doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung quy chế và có trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; tuân thủ quy trình nuôi, trồng, sản xuất, bảo quản sản phẩm thực phẩm theo các tiêu chuẩn cơ sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; được cơ quan có thẩm quyền cấp tài khoản sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm…

Quy định khắt khe là vậy, song nhiều doanh nghiệp ở địa phương cũng đã tích cực tham gia chương trình. Ông Nguyễn Khoa Chương, Giám đốc Công ty TNHH Peco Food cho biết, sau 1 năm áp dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm, doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh và sản xuất.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều có lợi
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều có lợi

Cụ thể, nhờ áp dụng truy xuất nguồn gốc, Peco Food đã mở rộng tệp khách hàng, nhất là đã thuyết phục được những khách hàng khó tính. Với sự minh bạch thông tin và chất lượng, sản phẩm của công ty nhận được sự tin tưởng từ các trường học, bếp ăn tập thể, siêu thị… Tương tự, theo đại diện một siêu thị trên địa bàn thành phố, hiệu quả lớn nhất của việc truy xuất nguồn gốc chính là giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp một cách hiệu quả; đồng thời truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng chỉ thông qua một thao tác quét mã đơn giản. Nhất là đối với những nhóm hàng hóa nhập vào siêu thị, việc truy xuất nguồn gốc hỗ trợ đơn vị hữu hiệu trong việc quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mà trong đó đáng kể là mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt bò…

Trong khi đó, đối với người tiêu dùng, theo bà Tạ Mỹ Trân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Nhung (quận Thanh Khê), truy xuất nguồn gốc là việc làm có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo ATTP trong trường học. Theo đó, Trường Mầm non Cẩm Nhung đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm quy định của thành phố về truy xuất nguồn gốc để đảm bảo ATTP. Nhà trường làm việc rõ ràng với các nhà cung cấp từ khâu chọn, mua, đến khâu vận chuyển, bảo quản trước khi đưa vào trường học. Tất cả thực phẩm tuyệt đối phải an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhà trường nêu cao vai trò giám sát đối với nguyên liệu đầu vào hàng ngày, có giấy ký kết giao nhận và có sự tham gia của ban đại diện phụ huynh học sinh để đảm bảo tốt vấn đề ATTP.

Trên thực tế, sự minh bạch về nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc người sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Công tác vệ sinh ATTP sẽ lấy người dân làm trung tâm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người kiến tạo ra luật, quy định chung, các bên liên quan ứng xử theo luật đó. Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng phải là những “người tiêu dùng thông thái. Họ sẽ vừa là người thụ hưởng và vừa là người kiểm tra giám sát chất lượng ATTP. Việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng biết được “lý lịch” của sản phẩm, biết hàng hóa này đi đâu, phân phối như thế nào và nếu không đạt chất lượng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Theo Nghi Lộc/Thời báo Ngân hàng