Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đề nghị đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội hậu dịch COVID-19.
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động bởi dịch COVID -19 song kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng. Thành phố đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID -19.
Thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, rà soát, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp. Thành phố có 19.727 doanh nghiệp thành lập mới. Chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát tốt, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), duy trì thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, song 9 tháng qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, các ngành, đoàn thể thành phố đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời cùng thành phố triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa, tăng sức mua và doanh thu dịch vụ.
Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ chủ động lựa chọn các điểm bán hàng mở cửa trở lại phục vụ nhân dân dịp trong, sau Tết và sau thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tình trạng lợi dụng đẩy giá bán lên cao tại các chợ truyền thống. Giá bán tương đối ổn định, hạn chế tình trạng tăng giá đột biến.
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố đề nghị từ nay đến cuối năm các đơn vị thành viên và Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường công tác tuyên truyền về cuộc vận động; chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điển hình, tôn vinh tổ chức, cá nhân, sản phẩm được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội hậu dịch Covid-19. Triển khai chương trình kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2020; rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp.
Tổ chức chương trình “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020. Tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn thành phố gắn với thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế – xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.
Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, đặc biệt trong tháng cuối năm 2020. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành thành phố và các địa phương, phân công trách nhiệm các thành viên trong Ban Chỉ đạo thành phố, bảo đảm phù hợp theo chức năng và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.
Theo Bảo Linh/Vietq.vn