Giao dịch rung lắc trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu, VN-Index ghi nhận sự cân bằng trong đầu phiên giao dịch sáng với việc thanh khoản mua và bán chủ động gần như tương đồng. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh dần gia tăng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đã khiến cho chỉ số chung đảo chiều giảm điểm về quanh vùng 1.065 điểm.
Phiên chiều tiếp tục chứng kiến sự thận trọng của nhà đầu tư với hơn 250 mã chìm trong sắc đỏ. Ở chiều ngược lại, chỉ có số ít các nhóm ngành còn duy trì được sắc xanh có thể được kể đến như bảo hiểm, chứng khoán, với mức tăng khiêm tốn, xấp xỉ 0,5%.
Đà bán ròng của khối ngoại vẫn được duy trì xuyên suốt phiên với thanh khoản 634 tỷ đồng, tập trung bán VND, HPG, VNM.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,79 điểm, tương đương với 0,45% xuống 1.065,85 điểm. Tương tự, HNX-Index đóng cửa tại 215,75 điểm, giảm 0,11 điểm. Thanh khoản trên HoSE đạt 12.860,8 tỷ đồng.
Một số nhận định khác cho biết, tâm lý tích cực của phiên chiều qua vẫn được duy trì cho tới đầu phiên sáng khi hầu hết các mã đều giao dịch với sắc xanh, đưa VN-Index tăng gần 4 điểm trong giờ giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, lực bán rất mạnh của khối ngoại nhằm vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn như MSN, VNM khiến chỉ số giảm dần từ cuối phiên sáng.
Sau đó, sự thu hẹp đà giảm của một số cổ phiếu lớn như VCB, TCB, VHM giúp chỉ số đóng cửa với mức giảm 4,79 điểm, cao hơn gần 4 điểm so với mức thấp nhất phiên. Dù vậy, trong phiên vẫn ghi nhận một số điểm sáng như nhóm cổ phiếu dầu khí và thực phẩm như PVD, PVS, PSH, DBC, BAF, VLC và các cổ phiếu xây dựng như HBC, CTD, CTI…
Về góc nhìn kỹ thuật, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index kết phiên tạo nến đỏ giảm điểm về quanh khu vực 1.065 điểm. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đang hướng xuống gần về 0 cho thấy sự gia tăng của thanh khoản bán chủ động.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn đang được đánh giá là có vận động tích cực khi chỉ điều chỉnh, rung lắc ở biên độ hẹp 10 điểm trong vùng từ 1.060 – 1.070 điểm.
Với diễn biến hiện tại, VN Index vẫn có thể xuất hiện áp lực rung lắc, tăng giảm đan xen từ 3 – 5 phiên tới nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn là hướng lên vùng điểm 1.075 – 1.080.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Đinh Thái Huyền Trang cho rằng, VN-Index đóng cửa giảm điểm với volume gia tăng nhưng vẫn hồi phục từ ngưỡng hỗ trợ MA10 để đảm bảo xu hướng tăng được duy trì. Tuy nhiên MA5 mất độ dốc lên báo hiệu khó có sự bứt phá trong phiên tới, xu hướng chỉ có thể duy trì vùng đi ngang đã kéo dài 7 phiên trở lại đây.
Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) thì ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 23/05/2023 tương ứng với diễn biến đi ngang. Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index ghi nhận kịch bản suy yếu với áp lực điều chỉnh vẫn đang có dấu hiệu duy trì trong bối cảnh một số chỉ báo kỹ thuật đang cảnh báo tín hiệu quá mua. Theo đó, một diễn biến điều chỉnh nhẹ có thể diễn ra và chỉ số VN-Index vẫn có khả năng sẽ về kiểm tra hỗ trợ ngắn hạn 1.054 điểm của đường EMA 20 ngày trước khi quay trở lại xu hướng tăng giá hiện tại và hướng tới vượt vùng kháng cự 1.085 – 1.095 điểm.