Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế và túi tiền người dân. Vì vậy, giảm giá điện nước là một trong những nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, Sawaco mới giảm giá nước cho hộ khó khăn, các khu cách ly tập trung.
Ôm ngàn tỷ gửi ngân hàng
Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán 2020 đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa dẫn đến không ít người lao động mất việc, giảm thu nhập.
Trước bối cảnh đó, giảm giá điện nước là một trong những nhu cầu cấp bách nhất. Tuy nhiên, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) mới chỉ miễn tiền nước của các hộ dân khó khăn và các khu cách ly của TP.HCM trong 3 tháng.
Trong khi đó, đại bộ phận người dân cũng có nhu cầu giảm giá điện nước để bù đắp cho sự sụt giảm sâu về thu nhập do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Và Sawaco hoàn toàn đủ nguồn lực để thực hiện điều này vì công ty có tới 800 tỷ đồng gửi ngân hàng.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2019, tại thời điểm 31/12/2019, Sawaco có 349 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó, tiền mặt chỉ là 310 triệu đồng, còn lại hơn 168 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, 180 tỷ đồng các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 1-3 tháng với lãi suất từ 5%/năm đến 5,5%/năm.
Ngoài ra, Sawaco có thêm 814 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn. Đây là các khoản gửi có kỳ hạn, tất toán trong vòng từ 3-12 tháng. Các khoản gửi cuối có lãi suất từ 6,4%-7,5%/năm. Sawaco còn có khoản tiền gửi 1 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm tại Agribank.
Như vậy, tổng số tiền Sawaco gửi tiết kiệm là 1.163 tỷ đồng. Những khoản tiền này mang về cho Sawaco 42,4 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt
Sawaco có lượng tiền mặt lớn là do công ty hoạt động hiệu quả. Trong năm 2019, Sawaco duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đứng ở mức khá.
Theo báo cáo tài chính riêng 2019 mới được công bố, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 của Sawaco đạt 4.033 tỷ đồng, tăng 276 tỷ đồng, tương đương 7,3%, lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng, tương đương 38,7% so với năm 2018.
Nhờ tăng trưởng đều đặn nên Sawaco có lượng vốn tích lũy khá cao. Tại thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của công ty tăng lên 5.888 tỷ đồng. Nhờ có nguồn tiền dồi dào, Sawaco mạnh tay đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.
Hiện tại, Sawaco rót 630 tỷ đồng vào 10 công ty con, 221 tỷ đồng vào 6 công ty liên kết. Đa số đều hoạt động trong lĩnh vực cấp nước. Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực khác như cho thuê mặt bằng, thương mại dịch vụ, thi công công trình,…
Lãnh đạo lương 600 triệu đồng
Sawaco có chế độ đãi ngộ khá tốt với người lao động. Theo báo cáo về chế độ lương thưởng mới nhất được công bố, tại thời điểm cuối năm 2018, Sawaco có 1.105 người. Tổng công ty đã dành quỹ lương gần 212 tỷ đồng. Như vậy, trung bình, mỗi người lao động được trả 16 triệu đồng/người/tháng, tương đương 192 triệu đồng/người/năm.
Dàn lãnh đạo Sawaco cũng được trả thù lao khá cao. Sawaco có tổng cộng 10 lãnh đạo. Quỹ tiền lương được chi ra là hơn 6 tỷ đồng. Bình quân mỗi sếp Sawaco được trả hơn 50 triệu đồng/người/tháng, tương đương 600 triệu đồng/người/năm.
Trong năm, Sawaco không chi tiền thưởng, phúc lợi phân phối trực tiếp cho người lao động, không chi quỹ tiền thưởng cho dàn lãnh đạo.
Sawaco cũng không công bố kế hoạch tiền lương năm 2019.
Theo Ngân Hà/Chất lượng&cuộc sống