Ngày 10/7, Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp Công ty CP Tập đoàn Sun World, hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm”.
Để hiện thực hóa giấc mơ biến Đà Nẵng thành “thành phố không ngủ”, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng”. Đây là giai đoạn cần khẩn trương xây dựng một chương trình, chiến lược phát triển kinh tế ban đêm bài bản và tổng thể.
Chia sẻ về phát triển kinh tế đêm, PGS -TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng phát triển kinh tế đêm là vấn đề của toàn cầu, và ở Việt Nam nó được khẳng định là một hướng phát triển ở cấp độ quốc gia chứ không phải cho riêng Đà Nẵng. Tiềm năng kinh tế đêm của Đà Nẵng rất lớn, với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, với những thế mạnh sẵn có, Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho một phương thức hoạt động mới của nền kinh tế ban đêm.
Hiện tại Đà Nẵng cơ bản chưa có kinh tế ban đêm mà chỉ hoạt động về đêm với khung thời gian đến 10 hay 11 giờ, và theo luật, nhiều địa điểm phải đóng cửa vào lúc 12 giờ đêm.
Cụ thể hơn đó là những sản phẩm, dịch vụ đang diễn ra ở các điểm đến vào ban đêm hiện nay không thể gọi là “kinh tế ban đêm” mà chỉ dừng ở góc độ “dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm”, hay đơn giản có phố ăn uống, giải trí về đêm muộn. Từ khoảng 21 giờ, các tuyến phố ở khu vực trung tâm quận Hải Châu hay phố du lịch ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã bắt đầu tắt đèn… đi ngủ. Còn phố chuyên kinh doanh Lê Duẩn cũng chỉ hoạt động tới 22 giờ, Cầu Rồng phun lửa phun nước lúc 21h vào thứ 7 và chủ nhật và Cầu Sông Hàn quay lúc 23h hàng đêm và cho phép tàu du lịch thủy nội địa được hoạt động đến 24h…
Quyết tâm phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch đêm ở Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh những năm qua Đà Nẵng được xác định như một điểm đến du lịch của cả nước. “Năm 2019, chúng tôi đã đón gần 8 triệu lượt du khách, trong đó khách nước ngoài xấp xỉ gần 3 triệu, góp phần quan trọng đóng góp cho tỉ trọng tăng trưởng GRDP của TP. Theo đó, tỉ trọng du lịch là gần 64%”- ông Chinh nói.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế âm 3,61%. “23 năm qua, đây là lần đầu tiên TP chúng tôi bị mức tăng trưởng âm. Các doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực du lịch”- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay. Ông cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ TP đặt ra trong thời gian tới chính là phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho phát triển du lịch.
Nhiều thành phố lớn có cơ hội phát triển kinh tế ban đêm theo những hướng khác nhau nhưng mới khai thác được phần rất nhỏ. Đà Nẵng có những điểm du lịch nổi tiếng nhưng nhiều du khách quốc tế đến thường than ban đêm “không biết đi đâu, chơi gì”.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, để phát triển kinh tế đêm gắn với kích cầu du lịch, Sở Du lịch sẽ định hướng phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP theo 4 nhóm hoạt động/dịch vụ gồm: Văn hóa – vui chơi giải trí; ăn uống; mua sắm và du lịch tham quan.
Đồng thời quy hoạch để phát triển kinh tế ban đêm: Giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2021 – 2023) sẽ thí điểm chọn các dịch vụ sẵn có trên 4 khu vực gồm: Phố du lịch An Thượng, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, Tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa và Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2023 – 2025) sẽ xác định một số khu vực trọng điểm gồm: Phố du lịch An Thượng, mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại; tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo và mở rộng ra đường Như Nguyệt, Chương Dương; tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa; tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành; khu du lịch Sun World Bà Nà Hills; khu vực làng Vân và một số khu vực riêng biệt nằm ở phía Tây TP.
Trong bối cảnh du lịch Đà Nẵng hậu Covid-19, việc gia tăng những sản phẩm, dịch vụ ban đêm có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến Đà Nẵng ngay cả trong mùa thấp điểm cũng như gia tăng chi tiêu và số ngày lưu trú của du khách khi đến Đà Nẵng. Thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương hoàn thiện dịch vụ khu phố du lịch An Thượng, tổ chức thí điểm chợ đêm 24/7 tại các khu vực bãi biển phố du lịch An Thượng; tổ chức phố đêm Bạch Đằng, kêu gọi dịch vụ giải trí đêm ở khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi…
“Sau khi Thủ tướng chỉ đạo về việc nghiên cứu kinh tế đêm, thành phố đã bắt tay vào tìm các giải pháp phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Kinh tế đêm của Đà Nẵng còn manh mún, chưa có quy hoạch. Do đó việc phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ thành phố đặt ra trong thời gian tới”, ông Chinh khẳng định.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói thêm đã có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm các dịch vụ mới. Trước mắt, sẽ đầu tư khu An Thượng, thiết kế phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch ban đêm tại TP được phát triển các sản phẩm mới.
Theo Thế Sơn/Chất lượng&cuộc sống