Đà Nẵng – Điểm sáng về phục hồi ngành du lịch

Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú trên địa bàn TP. Đà Nẵng phục vụ trong 11 tháng năm 2023 gần 6,9 triệu lượt, tăng 102,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ; khách trong nước hơn 5 triệu lượt, tăng 67,5% so với cùng kỳ.

Những con số ấn tượng
Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch của TP. Đà Nẵng có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự nỗ lực của chính quyền và sự vượt khó, chịu làm mới sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp (DN) giúp ngành Du lịch Đà Nẵng phục hồi ngoạn mục.

Đà Nẵng - Điểm sáng về phục hồi ngành Du lịch
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh, thu hút đông đảo du khách đến Đà Nẵng.

Năm 2023, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh, các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo du khách đến Đà Nẵng như: lễ hội Quán Thế Âm; lễ hội Đình làng Hải Châu; chương trình khai trương mùa du lịch biển; Tuần lễ du lịch Hòa Bắc; Liên hoan phim châu Á; lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng; lễ hội du lịch golf Đà Nẵng và Giải BRG Open Golf Championship Danang 2023; lễ hội Việt Nam – Nhật Bản; Việt Nam – Hàn Quốc…

Cùng với đó, Đà Nẵng tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế như: lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 thu hút hơn 942.000 lượt khách, lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2023 thu hút hơn 50.000 lượt khách; cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023 đón 9.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới…

Thực tế cho thấy, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong 11 tháng năm 2023 gần 6,9 triệu lượt, tăng 102,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ; khách trong nước hơn 5 triệu lượt, tăng 67,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống hơn 20.826 tỷ đồng, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú khoảng 8.946 tỷ đồng, tăng 57,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống 11.880 tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo báo cáo chung về bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 và 11 tháng năm 2023 của cả nước do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm 2023 ước đạt 616.000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Đà Nẵng tăng nhanh nhất với 34,9%, tiếp theo là Cần Thơ tăng 31,3% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 30,2%. Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm 2023 ước đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Khánh Hòa tăng 138%, Đà Nẵng tăng 134,7%, tiếp theo là Cần Thơ tăng 129,9%

Đến nay, có 34 đường bay đến Đà Nẵng, với 8 đường bay nội địa và 26 đường bay quốc tế; trong đó có 15 đường bay trực tiếp thường kỳ và 11 đường bay trực tiếp thuê chuyến; tần suất 110-118 chuyến bay/ngày đến Đà Nẵng.

Với những con số ấn tượng đó, có thể khẳng định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những ngành kinh tế có sự đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của TP. Đà Nẵng.

Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, làm mới sản phẩm

Có được kết quả đó, ngành Du lịch TP. Đà Nẵng “chịu khó” làm mới chính mình. Để tiếp tục đưa “ngành công nghiệp không khói” phát triển xứng tầm, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, làm mới sản phẩm để thu hút khách ở các thị trường truyền thống, thị trường mới; quảng bá trên các phương tiện truyền thông; triển khai tạo nguồn các sản phẩm du lịch mới.

Đà Nẵng - Điểm sáng về phục hồi ngành Du lịch
Thời gian tới, ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng đó, Đà Nẵng tập trung xây dựng môi trường du lịch gắn với môi trường đô thị, môi trường văn hóa, môi trường sinh thái, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN; đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch chung của địa phương…

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, phương án thí điểm tổ chức phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi vừa được UBND TP. Đà Nẵng thống nhất kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.

Theo phương án thí điểm, vị trí triển khai các hoạt động dịch vụ là phía cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm trên địa bàn quận Sơn Trà và quận Hải Châu, công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm trên đường Chương Dương và đường Trần Hưng Đạo. Thời gian thí điểm diễn ra từ quý 1/2024 đến cuối năm 2028.

Phương án đưa ra các hoạt động âm nhạc phục vụ người dân và du khách như âm nhạc dân tộc, âm nhạc trữ tình vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần; vũ hội đường phố trên đường Trần Hưng Đạo và đường Chương Dương vào tối thứ Bảy cuối cùng mỗi tháng.

Bà Hạnh cho hay, thời gian tới, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án Phát triển kinh tế ban đêm; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2020 – 2025.

Cùng đó, sẽ xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch MICE tại Đà Nẵng. Khuyến khích xây dựng các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao có phòng hội nghị quy mô lớn; các dịch vụ phụ trợ phục vụ du lịch MICE.

Đồng thời, Sở Du lịch sẽ hỗ trợ duy trì, khai thác hiệu quả các đường bay hiện có và xúc tiến mở các đường bay từ thị trường xa, tiềm năng đến Đà Nẵng như: Úc, Ấn Độ, Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Nga…

Theo Công Thái/Thời báo Ngân hàng
Print Friendly, PDF & Email