Cuối năm xuất khẩu giảm tốc bất thường

Bộ Công Thương cho rằng, cần tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng, là trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài bị thu hẹp nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp bị hoãn, hủy đơn hàng

Trái ngược với mọi năm, quý IV năm nay lại đang là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào cảnh đói đơn hàng do thị trường toàn cầu suy thoái. Trong bối cảnh này doanh nghiệp cần phải làm gì để vượt qua khó khăn?

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta – một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu tôm, cá tra – chia sẻ, thời gian gần đây, những khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, những mặt hàng giá trị cao không được ưu tiên lựa chọn. Hiện đơn vị có một số đơn hàng bị đối tác hoãn thời gian giao hàng, hay nghiêm trọng hơn là hủy. Trong khi đó, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất tôm ngày càng gay gắt khiến việc tiêu thụ ở những thị trường lớn gặp khó, dẫn tới lượng hàng tồn kho cao.

Tương tự, ông Lê Bảo Toàn – Giám đốc Tài chính của CTCP Thuỷ sản Minh Phú (Hậu Giang) cho biết, một vài tháng gần đây, lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường EU, Mỹ giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Lượng đơn hàng đang rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái.

cuoi nam xuat khau giam toc bat thuong
Ảnh minh họa.

Với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cũng cho biết, đầu ra hiện nay rất khó khăn, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ, EU rất lớn, khiến doanh nghiệp phải giảm công suất xuống 80%, công nhân nghỉ việc luân phiên. Thị trường xuất khẩu trong thời gian tới diễn biến rất khó lường, công ty vẫn chưa đủ đơn hàng cho những tháng đầu năm 2023.

Cùng với đó, hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Đông Á…

Chuẩn bị cho chặng đường không bằng phẳng

Theo một báo cáo mới đây được Ngân hàng HSBC cập nhật, có nhiều dấu hiệu cho thấy đã đến lúc ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới. Trong đó, dữ liệu tháng 11/2022 là rất đáng lưu tâm khi chỉ ra xuất khẩu giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều hơn so với dự báo của HSBC và thị trường.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm gần đây, Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu do tình hình suy giảm ở tất cả các lĩnh vực.

Đại diện HSBC cho rằng, mức sụt giảm chính là từ lĩnh vực điện tử – vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm nay. Tác động xảy ra trên diện rộng tại 3 điểm đến chính của xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.

Trong khi đó, các lĩnh vực xuất khẩu khác của Việt Nam cũng có xu hướng bị ảnh hưởng bởi suy thoái ở Mỹ. Ví dụ, thị trường nhà ở nước này đang bắt đầu chững lại đã dẫn tới sự suy giảm đáng kể trong xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt. Các mặt hàng truyền thống như dệt may và da giày cũng bắt đầu sụt giảm. Tuy hai lĩnh vực này vẫn hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng xuất khẩu trong quý III, nhưng chủ yếu do hiệu ứng cơ sở so sánh thấp của năm ngoái.

Trước bối cảnh này, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị, nhìn trước được rủi ro. Theo đó, nếu cảm thấy thị trường không khả quan, nên chấp nhận lỗ để giải phóng hàng tồn kho giá mềm, điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần cắt giảm chi phí, nêu cao tinh thần tiết kiệm để giảm giá thành, cạnh tranh. Mặt khác, phải tích cực, chủ động đẩy mạnh tự động hóa, số hóa. Doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các yêu cầu về minh bạch nguồn gốc sản phẩm, nếu không muốn bị bỏ lại trên đường đua.

Theo Bộ Công Thương, kể từ quý IV/2022, tình hình thế giới có những diễn biến không thuận lợi như nhu cầu ở các thị trường lớn của Việt Nam sụt giảm, đơn đặt hàng giảm, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng lợi thế tại các FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ cơ hội khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép… nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước… để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng, là trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài bị thu hẹp nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.

Theo Hồng Hạnh/Thời báo Ngân hàng