Đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, các công ty chứng khoán đều thực hiện tăng vốn mạnh trong năm 2021. Trong đó, vốn điều lệ của một số công ty chứng khoán đã tương đương với những ngân hàng thương mại có quy mô trung bình.
Tăng vốn nhiều lần
Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có 73 công ty chứng khoán là thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), không kể vài công ty bị rút nghiệp vụ môi giới, kiểm soát đặc biệt… Trong hai năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư. Những phiên giao dịch trị giá trên 30.000 tỷ đồng liên tục xuất hiện dày đặc. Thị trường từng xác lập kỷ lục với giá trị gần 56.000 tỷ đồng và 2 triệu tỷ cổ phiếu được sang tay trong phiên ngày 19/11/2021. Năm 2021 đã có 1.538.802 tài khoản mở mới, tăng gấp 3,88 lần so với cả năm 2020 và cao hơn tổng số tài khoản mở mới trong 5 năm 2016-2020.
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng giao dịch chứng khoán và có thể cung cấp các sản phẩm mới, tập trung chủ yếu ở hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) và đầu tư tự doanh… các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn điều lệ thông qua các đợt phát hành cổ phiếu.
Hiện nay, SSI là công ty chứng khoán lớn nhất thị trường xét về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản lẫn vốn hóa thị trường. Trong năm 2021, SSI đã nhiều lần phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 6.029 tỷ đồng lên 9.947 tỷ đồng qua các hình thức như: chào bán cho cán bộ nhân viên (ESOP), chuyển đổi trái phiếu, trả cổ tức, cổ phiếu thưởng và chào bán cho cổ đông. Như thế vẫn chưa đủ, cổ đông của SSI đã thông qua kế hoạch chào bán 497,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 14.921 tỷ đồng, qua đó tiếp tục duy trì vị thế là công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường.
Không kém cạnh SSI là CTCP Chứng khoán VNDirect. Trong năm 2021, VNDirect chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giúp vốn điều lệ tăng gấp đôi lên 4.349 tỷ đồng. Chưa dừng ở đó, cổ đông VNDirect đã thông qua kế hoạch chào bán và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu cũng như cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ lên 12.265 tỷ đồng.
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của SSI, VNDirect sẽ tương đương các ngân hàng có quy mô trung bình như: VIB, SeABank, Eximbank, LienVietPostBank, MSB, TPBank, OCB… và vượt xa các ngân hàng có quy mô nhỏ như: PGBank, Saigonbank, KienLongBank, Viet Capital Bank…
Mặc dù không nằm trong top đầu về hoạt động môi giới nhưng CTCP Chứng khoán IB đã có bước chuyển mình thần tốc. Năm 2021, IB đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên gấp đôi lên 2.746 tỷ đồng và có kế hoạch tăng vốn gấp đôi trong năm 2022 lên 5.492 tỷ đồng để lọt vào top những công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường.
Các công ty khác như Mirae Asset, KIS Việt Nam, VPS, HSC, VCSC, ACBS, MBS, TVSI, SHS, KB Việt Nam, TPS đều đã tăng vốn điều lệ với quy mô trên ngàn tỷ đồng trong năm 2021. Đối với những công ty chứng khoán top dưới cũng đồng loạt tăng vốn gấp nhiều lần như CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC) phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ gấp 15,7 lần so với đầu năm, đạt 1.000 tỷ đồng.
Đánh giá về việc tăng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Mirae Asset Việt Nam, nhận định: “Tốc độ tăng trưởng trung bình của margin trong hai năm 2020-2021 đạt 35%/năm. Nhu cầu margin này đi kèm với lượng tài khoản mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản trong năm 2021. Nhu cầu margin sẽ tăng thêm theo nhóm nhà đầu tư F0 này. Vì vậy, các công ty chứng khoán sau đợt tăng vốn giữa năm 2021 vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường trong tương lai nên làn sóng tăng vốn lần thứ hai chắc chắn sẽ diễn ra tiếp vào năm 2022”.
Nhà đầu hưởng lợi
Một trong những lý do giúp các công ty chứng khoán dễ dàng thành công trong việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như phát hành riêng lẻ là lợi nhuận tăng cao giúp cổ phiếu liên tục tăng giá. Trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của hầu hết công ty chứng khoán đều tăng vài lần so cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu ngành chứng khoán trở thành sự lựa chọn yêu thích của đa số nhà đầu tư vì giúp tài sản của cổ đông liên tục “phình to”.
Trong năm 2021, các cổ phiếu chứng khoán tối thiểu tăng gấp đôi và cao nhất thuộc về cổ phiếu APS tăng 14,7 lần từ 4.280 đồng/cổ phiếu lên 63.000 đồng/cổ phiếu, VIG tăng 8,5 lần từ 2.400 đồng/cổ phiếu lên 20.500 đồng/cổ phiếu… thu hút cổ đông sẵn sàng nộp tiền trong các đợt phát hành.
Nhận định về cơ hội đầu vào nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán trong năm 2022, ông Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ: “Ngành chứng khoán vẫn là nhóm ngành hưởng lợi trong một xu thế phát triển nhà đầu tư mới tại Việt Nam nên họ vẫn là nhóm thu được nhiều lợi ích và lợi nhuận nhất trên ba nền tảng: phí giao dịch, lãi vay và tự doanh. Một số công ty chứng khoán đã bắt đầu mở rộng thêm nguồn thu của mình thông qua một vài sản phẩm như quản lý tài sản, trong đó có trái phiếu. Nếu kết hợp với các dịch vụ khác như ủy thác thì đó là tính hiệu tích cực cho tổng thể mặt bằng của công ty chứng khoán trong năm 2022. Vì vậy, cổ phiếu của công ty chứng khoán vẫn là nhóm ngành hấp dẫn để đầu tư”.
Theo Nguyễn Như/Chất lượng&Cuộc sống