Categories Doanh nghiệp

Công nghiệp hỗ trợ: Nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Việc tham gia các hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong nước đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, nâng cao năng lực sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặc biệt ở các phân ngành cơ khí, điện tử, dệt may, da giày…

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam tích cực tham gia hợp tác trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp tập đoàn đa quốc gia. Với các chính sách hiệu quả từ Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc phối hợp đào tạo, chuyển giao công nghệ từ các đối tác trong và ngoài nước về lĩnh vực CNHT đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam từng bước nâng tầm về chất lượng.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp có những bước phát triển mạnh và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 thời gian qua nhưng sản xuất công nghiệp vẫn có xu hướng tăng trưởng. Trong tháng 5/2021, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%…

cong nghiep ho tro nam bat co hoi tham gia chuoi cung ung toan cau
Lợi thế của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao, giá nhân công thấp

Mặc dù các doanh nghiệp ngành CNHT không ngừng nỗ lực đổi mới, hướng đến nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, tuy nhiên, đến nay nền tảng CNHT trong nước vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Để giúp các doanh nghiệp CNHT trong nước có nhiều điều kiện tiếp xúc, hợp tác với các đối tác tập đoàn đa quốc gia, thời gian qua Bộ Công thương đã phối hợp với nhiều quốc gia đối tác triển khai phát triển nhà cung cấp tập trung vào các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất.

Theo đại diện bộ này, nhiều năm qua Cục Công nghiệp đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế như Viện Công nghệ cao Hàn Quốc, Bộ Công nghiệp – Thương mại Nhật Bản và nhiều tập đoàn đa quốc gia triển khai hoạt động và hợp tác trong lĩnh vực CNHT. Trong đó các chương trình chủ yếu như hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo tư vấn cải tiến sản xuất, cử các chuyên gia… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong việc nâng cao năng suất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tập đoàn Samsung là một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp trong nước triển khai hiệu quả các dự án thuộc lĩnh vực CNHT bao gồm chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng; Chương trình đào tạo nhân lực khuôn mẫu tại Việt Nam; Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp; Chương trình tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng mới… đạt được nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã làm việc trực tiếp với Tổ hợp Samsung Việt Nam trong việc phối hợp hợp tác phát triển ngành CNHT.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Samsung tại Việt Nam đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt, góp phần giúp Việt Nam trở thành nước xuất siêu và là nước ASEAN duy nhất đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Các dự án hợp tác giữa Samsung và các đơn vị thuộc Bộ Công thương thời gian qua đã bước đầu giúp các doanh nghiệp CNHT Việt Nam cải tiến sản xuất, chất lượng, tiếp cận với các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy Samsung Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Samsung, cũng như các tập đoàn đa quốc gia khác. Bộ trưởng cũng đề nghị Samsung tiếp tục hỗ trợ tư vấn, cải tiến cho các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực sản xuất, tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của Samsung, từ đó giúp Samsung có vị trí vững chắc hơn tại Việt Nam, khu vực và trên toàn cầu.

Trên thực tế, năng lực của các doanh nghiệp CNHT trong nước còn hạn chế khiến họ chưa tận dụng hết được sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI có chiến lược phát triển lâu dài và hình thành chuỗi cung ứng trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.

Ông Hiroyuki Ueda, Tổng Giám đốc Công ty ô tô Toyota Việt Nam cho rằng, lợi thế của ngành CNHT Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao, giá nhân công thấp. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta gặp khó khăn để phát triển do sản lượng nhỏ; Công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có nên nguyên liệu phải nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về mặt kinh nghiệm và năng lực quản trị sản xuất. Do đó, chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó cần có sự phối hợp, trao đổi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng suất, chất lượng đủ sức đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Toyota cũng đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo và phát triển nhân sự cho nhà cung cấp, tính đến nay Toyota đã có 46 nhà cung cấp nội địa, trong đó có 6 nhà cung cấp thuần Việt.

Ngày 17/5/2021, Công ty ô tô Toyota Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực CNHT ô tô nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm sản xuất trong nước mang lại giá trị gia tăng cao hơn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có thể thấy việc tham gia các hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong nước đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, nâng cao năng lực sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặc biệt ở các phân ngành cơ khí, điện tử, dệt may, da giày…

Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã phối hợp với các doanh nghiệp FDI (như Samsung, Toyota, Panasonic, Mitsubishi Motor…), các nhà tài trợ như IFC/WB, JICA… triển khai các chương trình phát triển nhà cung cấp, tập trung vào các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất… đã đem lại hiệu quả thiết thực thúc đẩy ngành CNHT Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Theo Nguyễn Minh/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email