Sau giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, từ đầu tháng 5, hoạt động du lịch trên cả nước đã khởi động trở lại với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và chương trình kích cầu du lịch nội địa. Đến cuối tháng 7, các tour du lịch càng nhộn nhịp hơn khi lũ trẻ bước vào một mùa hè xả hơi sau một kỳ học căng thẳng.
Trong khi đó, các tour, combo (gói dịch vụ) du lịch ồ ạt bán công khai trên nhiều diễn đàn, website với mức giá chưa từng có khiến nhiều người nhầm tưởng đó là gói kích cầu. Thế là nhà nhà, người người đua nhau chuyển khoản, đặt vé…
Mức giá rẻ giật mình
Mạng xã hội hiện đang xôn xao về một phòng vé có dấu hiệu lừa đảo cả chục tỷ đồng tiền bán combo du lịch nghỉ dưỡng (vé máy bay kèm khách sạn) sau đó chủ phòng vé “bùng”, ôm tiền lặn mất tăm. Thông tin ban đầu, phòng vé Anh Anh, địa chỉ tại 66X, ngõ Núi Trúc, phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội đã tung ra hàng loạt combo du lịch hấp dẫn khiến ai cũng phải mở hầu bao. Rồi khi hàng loạt gia đình “mắc bẫy”, chủ phòng đã biến mất không dấu vết.
Cửa hàng 66X ngõ Núi Trúc đang cửa đóng then cài, cơ quan chức năng đang vào cuộc sau khi nạn nhân lên tiếng. Chỉ một sự vụ nhỏ, nhưng câu chuyện khiến nhiều người giật mình vì nó đánh trúng tâm lý của bao khách hàng – những người luôn bị mờ mắt vì giá rẻ.
Một chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm đi Hà Nội – Nha Trang chỉ 2 triệu đồng/người. Một chuyến đi khác Hà Nội – Đà Lạt – Nha Trang 5 ngày 4 đêm chỉ có giá 3 triệu đồng/người. Tất cả đều bao gồm cả vé máy bay và khách sạn nghỉ dưỡng, thạm chí có xe đưa đón tận sân bay, khách sạn 4-5 sao. Quá rẻ!
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội du lịch Cộng đồng chia sẻ: “Một mặt, để có được mức giá ưu đãi kích cầu hiện nay, đảm bảo giá giảm nhưng chất lượng không giảm hoặc giữ nguyên giá, tăng giá trị tour, các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn, địa phương… đã phải làm việc rất ăn ý, thậm chí hi sinh lợi ích, cam kết rõ ràng để khuyến khích người dân đi du lịch, phục vụ nhân dân tốt nhất, giúp ngành du lịch mau chóng phục hồi. Tuy nhiên, việc một số rất ít các công ty bán tour, combo du lịch phá giá, dưới giá thành sản xuất, dịch vụ kém chất lượng hoặc nâng giá so với giá đã thoả thuận là không đúng cam kết khi tham gia chương trình kích cầu… đang làm ảnh hưởng rất lớn tới Chương trình kích cầu du lịch nội địa và khuyến khích “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn làm ăn chân chính; gây mất niềm tin của du khách với du lịch nước nhà”.
Du lịch kích cầu không phải tour…quá rẻ
Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, các địa phương, cơ quan quản lý về du lịch, Hiệp hội Du lịch ở Trung ương và địa phương cần vào cuộc giám sát, xử lý theo quy định những doanh nghiệp làm ăn bất minh, lừa dối khách hàng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của Du lịch Việt Nam. Đồng thời, công khai danh tính các công ty, điểm du lịch, người làm du lịch có hiện tượng làm ăn chụp giật… để du khách được biết, tránh xa.
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng: Để tránh không bị rơi vào tour giá rẻ kém chất lượng thì cần nhất là sự công khai minh bạch. Theo đó, nếu các đơn vị tham gia chương trình kích cầu thì niêm yết công khai mức giảm giá, thời gian giảm giá. Chương trình phải được giám sát để tuân thủ các dịch vụ đã ký kết. Để làm được điều này, các tỉnh khi phát động chương trình kích cầu cần có nội dung rõ ràng như giảm giá vé tham quan theo từng giai đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch dịch vụ để có thể giảm giá, gia tăng dịch vụ. Do đó, đã khởi động chương trình kích cầu tại địa phương phải có tính liên kết và có cam kết cụ thể về lượng khách, thời gian thực hiện.
“Thực tế gần đây nhiều tỉnh làm theo phong trào, tổ chức hội nghị, chương trình phát động nhưng không rõ đâu là sản phẩm mới, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để tạo động lực kích cầu. Chương trình phát động kích cầu của các tỉnh thành gần đây chỉ mang tính hình thức chung chung và tốn tiền ngân sách và đôi khi bị một số đơn vị kinh doanh du lịch tại địa phương lợi dụng treo biển kích cầu lừa dối du khách” – ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Quan trọng hơn, theo các chuyên gia du lịch, hiện tượng tour giá rẻ kém chất lượng nhắm vào tâm lý ham rẻ của du khách và một vài doanh nghiệp du lịch cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá một cách vô tội vạ, phá giá thị trường. Để tránh “vàng thau lẫn lộn”, trước tiên, du khách phải tự là người tiêu dùng thông thái như đọc kỹ nội dung chương trình, kiểm tra kỹ điều kiện ăn ở, ràng buộc trách nhiệm dân sự giữa hai bên khi ký hợp đồng đặt tour. Bên cạnh đó, khách lựa chọn đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức tour và được sự giám sát hoặc bảo lãnh của Hiệp hội du lịch và cơ quan quản lý tại địa phương.