Tác động xấu của việc Công ty Thành Đô – chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng thông báo chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết 12%/năm cho khách hàng đang khiến cả khách hàng mua condotel lẫn chủ đầu tư loại hình này như ngồi trên lửa vì e ngại hiệu ứng “đổ vỡ” dây chuyền…
Bất chấp hợp đồng cam kết chi trả lợi nhuận 12%/ năm suốt 8 năm, bỏ qua những hứa hẹn và bảo đảm với khách hàng, Công ty Thành Đô- chủ đầu tư dự án condotel cho biết từ 1/1/2020 sẽ ngưng chi trả khoản tiền trên dù hợp đồng của hàng ngàn khách hàng còn 5-6 năm nữa! Họ viện lý do khó khăn dòng tiền, thay đổi chính sách cùng những vướng mắc a,b,c,d… nào đó mà chỉ có họ mới biết rõ nhất.
Dù Thành Đô có đưa ra 3,4 nhóm giải pháp cho khách hàng lựa chọn nhưng cho dù có chuyển sang căn hộ ở, lấy lại tự kinh doanh, bán cho chủ đầu tư hay hợp tác chia lãi suất theo thực thu thì nhà đầu tư cũng thiệt thòi khá nhiều so với cam kết 12% trước đây.
Bội tín như thế này thì trên thị trường đã có mà trường hợp của Bavico ở Nha Trang là một ví dụ, nhưng quy mô lớn và tác động mạnh, ảnh hưởng nhiều thì Cocobay là điển hình đầu tiên. Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, Tổng Giám đốc một công ty đang làm nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng tỏ ra lo ngại với người viết về việc ảnh hưởng tâm lý sẽ khiến khách hàng ngại xuống tiền và đổ vốn đầu tư chỗ khác. Còn một khách hàng đã lỡ mua condotel ở Cocobay thừa nhận “tiến thoái lưỡng nan”.
Với tình hình nguồn cung condotel đang tồn đọng gần 60% như con số của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết và Nha Trang cùng Đà Nẵng, Phú Quốc đang “tồn kho” gần 20.000 căn hộ thì thị trường này thực sự bội thực. Chưa kể một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng khách vẫn rục rịch ra hàng và loại hình condotel vẫn chiếm số lượng lớn. Cung quá lớn, cầu quá nhỏ cộng với “đổ vỡ” của Cocobay Đà Nẵng thì không ai dám chắc các dự án khác có bình yên vô sự.
Trao đổi với người viết, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng rất đông khách hàng vay mua condotel của ngân hàng, nếu cam kết lãi suất của chủ đầu tư bị phá vỡ họ sẽ không trả nổi lãi vay và hiệu ứng dây chuyền do bán tống bán tháo thu hồi vốn hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đặc thù chỉ dùng kinh doanh du lịch, thanh khoản kém, kén khách hàng, phụ thuộc lớn và chủ đầu tư, đơn vị vận hành nên hàng loạt dự án Condotel nếu rơi vào cảnh của Cocobay sẽ gây hệ lụy khó lường cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Những cảnh báo từ lâu đã bị bỏ qua, những hậu quả của việc phát triển tràn lan được phân tích rõ đã bị bất chấp, miếng mồi ngon lãi suất cao bị chỉ ra đầy rủi ro đã che mờ mắt nhiều nhà đầu tư cá nhân… và giờ đây sự kiện Cocobay như báo hiệu một kết cục xấu cho thị trường này.
Bài học nào sẽ được rút ra nếu lòng tham của người làm dự án đã vô tình hay cố ý lấn át lý trí và dùng quảng cáo hoành tráng, mồi nhử lợi nhuận vẫn là chiêu trò dẫn dụ khách hàng cả tin vào uy tín của một mô hình còn mang nhiều tính thể nghiệm hơn trải nghiệm như condotel? Bằng chứng là Cocobay đã từng nhờ Ronaldo đến Cocobay quảng bá cho dự án với những giấc mơ như một thiên đường nghỉ dưỡng và khi tỉnh ra lại là ác mộng cho hàng loạt khách hàng. Vấn đề nóng này không chỉ đang xảy ra ở Cocobay mà có thể còn nhiều dự án khác.
Theo Phan Nguyễn/Người tiêu dùng