Những ngày cuối năm 2020, thị trường chứng khoán trở nên sôi động bất ngờ trước làn sóng đổ bộ của các nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Rầm rộ lên sàn
Theo quy định tại Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019, tất cả ngân hàng phải niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức.
Tuy nhiên, trong năm 2019 chỉ 1 ngân hàng đăng ký giao dịch thành công trên UPCoM. Tổng cộng đến cuối năm 2019 mới chỉ có 18 trên hơn 30 ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các nhà băng, năm 2020 tưởng như sẽ là một năm lỗi hẹn nữa khi nửa đầu năm không một ngân hàng nào lên sàn thành công.
Tuy nhiên vào những tháng cuối năm, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, kinh tế tăng trưởng dương, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một cuộc đổ bộ rầm rộ của các nhà băng lên sàn chứng khoán. Trong năm 2020, có đến 9 ngân hàng lên sàn/chuyển sàn thành công.
Ngày 23/12, gần 1,18 tỉ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu.
Riêng trong phiên giao dịch buổi sáng, đã có hơn 24,8 triệu cổ phiếu MSB được giao dịch với giá xoay quanh 17.600 đồng/cổ phiếu. Thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên khi VN-Index cộng thêm 7,97 điểm lên 1.091,42 điểm và HNX-Index cộng 0,64 điểm lên 188,49 điểm.
Trên thị trường UPCoM, sự góp mặt của các cổ phiếu có vẻ rổm rả hơn cả. Nối gót MSB, ngày 24/12, 300 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank) đã được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 15.500 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, đến ngày 28/12, hơn 571 triệu cổ phiếu ABB của Ngân hàng TMCP An Bình sẽ giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 15.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) đã đưa 317,1 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán BVB vào giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng chào sàn UPCoM với mã chứng khoán NAB, gồm hơn 389 triệu cổ phiếu.
Hay vào giữa tháng 10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đưa vào giao dịch trên UPCoM 308 triệu cổ phiếu với mã SGB, giá chào sàn là 25.800 đồng/cổ phiếu.
Hoạt động chuyển sàn cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu ngân hàng trong năm 2020: ACB chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng Quốc Tế (VIB) chuyển từ UPCoM lên niêm yết trên HoSE.
Ngoài những ngân hàng trên, 3 ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE nhưng chưa có thông báo mới.
Làn sóng chuyển sàn của các ngân hàng cũng đã góp phần tạo nên sự bùng nổ của nhóm “cổ phiếu vua” trong năm nay. Chẳng hạn, giá cổ phiếu VIB đã tăng hơn 90%, LPB tăng 70%, ACB tăng hơn 60%, SHB tăng hơn gấp đôi… Giá cổ phiếu của các ngân hàng khác cũng tăng mạnh, phổ biến 20 – 30%.
Cổ phiếu VCB của Vietcombank lên xấp xỉ 100.000 đồng, đưa ngân hàng này trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường, soán ngôi của Vingroup.
Cơ hội tăng vốn cho ngân hàng
Trước làn sóng lên sàn của các ngân hàng, đại diện Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, việc chuyển sàn sang HoSE từ HNX và UPCoM đã giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin và thanh khoản cao. Trong khi tại thời điểm này, định giá cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực, nên còn nhiều triển vọng bứt tốc.
SSI Research cũng cho rằng, thông tin việc chuyển sàn từ UPCoM và HNX sang HoSE giúp giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt bậc từ đầu năm. Việc niêm yết trên HoSE có thể mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, trong đó cơ hội tăng vốn là yếu tố nổi bật nhất. Bên cạnh đó, nhà đầu tư kỳ vọng các cổ phiếu sẽ được định giá lại, nếu được chuyển niêm yết sang HoSE.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, nhiều cổ phiếu ngân hàng lên sàn đợt này cho thấy kỳ vọng thanh khoản của toàn sàn sẽ tăng.
“Điều này khiến thị trường có thể đạt từ vài chục triệu USD đến 200 triệu USD giao dịch/ngày cho từng cổ phiếu, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, huy động thêm nguồn lực hoạt động kinh doanh”, ông Minh cho hay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng – cũng dự báo, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là “cổ phiếu vua” và thuộc nhóm ngôi sao sáng giá trong năm 2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nền kinh tế tiếp tục phục hồi khiến tình hình hoạt động của các ngân hàng dần khởi sắc.
Cũng theo ông Hiếu, vì nhiều lý do khách quan, một số ngân hàng chưa kịp hoàn tất yêu cầu lên sàn trong năm nay và có thể chậm hơn một chút.
“Theo tôi, có thể chậm hơn nhưng không nên gia hạn thêm quá dài, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín cũng như hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Năm 2021, thị trường chứng khoán, thị trường vốn có thể thuận lợi hơn đồng nghĩa với việc lên sàn của các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo Thái Hoàng/Thời báo Ngân hàng