Cổ phiếu MML của CTCP Masan MeatLife sẽ có phiên giao dịch đầu tiên tại sàn UPCoM với giá tham chiếu 80.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá trị vốn hóa của công ty này được định giá 25.946 tỷ đồng.
Tiền thân là Công ty Masan Nutri-Science, công ty con của CTCP Tập đoàn Masan, Masan MeatLife chính thức đổi tên mới vào 7/2019 nhằm thể hiện rõ mục tiêu chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuối thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu.
Masan MeatLife có vốn điều lệ 3.243 tỷ đồng, tương đương 324.327.447 cổ phiếu. Trong đó, CTCP Tập đoàn Masan sở hữu 79,32%, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan VN sở hữu 7,95%, Consumer Meat II Pte. Ltd sở hữu 7,14% và 803 nhà đầu tư khác sở hữu 5,59%.
Hiện nay, Masan MeatLife đang sở hữu 2 công ty con là: 99,99% tại Công ty TNHH MNS Feed có vốn điều lệ 3.112 tỷ đồng và 99,99% tại CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) có vốn điều lệ 560 tỷ đồng.
Masan MeatLife áp dụng nền tảng 3F “từ trang trại đến bàn ăn” với chuỗi giá trị tích hợp: Thức ăn chăn nuôi – trang trại – chế biến thịt. Mục tiêu của Masan MeatLife là mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và giá cả hợp lý.
Masan MeatLife là công ty đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và kinh doanh sản phẩm thịt mát (fresh chilled meat) theo công nghệ châu Âu. Bên cạnh đó, công ty cũng chuẩn bị ra mắt các dòng sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao như chả lụa, thịt kho chế biến sẵn. Dự kiến năm 2019, công ty có 600 điểm bán hàng và đạt 5.000 điểm vào năm 2022.
Năm 2018, tỷ trọng đóng góp vào doanh thu hợp nhất của công ty mẹ Masan MeatLife là 38%, MNS Feed và các công ty thành viên là 56%, Anco và các công ty thành viên là 6%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt 6.741 tỷ đồng doanh thu và 123 tỷ đồng lợi sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tăng lần lượt 0,7% và 5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Trí Nguyễn/Người tiêu dùng