Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sau khi được phê chuẩn và chính thức đi vào thực thi được đánh giá sẽ mang đến những cơ hội “vàng ròng” cho các ngành hàng và nền kinh tế Việt Nam…
Như vậy, ngay ngày đầu tiên (8/6) của kì họp trực tiếp (kỳ họp 9), Quốc hội sẽ bấm nút phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.
Việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc.
Đồng thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao.
Tạo lợi thế ổn định cho xuất khẩu
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…
EU hiện là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ. Đối với ngành dệt may, EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, năm 2019, dệt may Việt Nam xuất khẩu hơn 4,5 tỷ USD sang EU. Với quy mô nhập khẩu 280 tỷ USD hàng dệt may mỗi năm, thị phần của Việt Nam rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng mức chi nhập khẩu hàng dệt may của EU. Do đó, thị trường EU còn nhiều đất để phát triển.
Với ngành da giày, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng. Năm 2019, xuất khẩu giày dép, túi xách sang EU đạt 5,88 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
So sánh với một số quốc gia khác có lợi thế về ưu đãi EBA, GSP+, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, với Hiệp định EVFTA, Việt Nam vẫn “có thế mạnh rất lớn”.
“Các nước có Hiệp định với EU rất ít, ở khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Hải khẳng định.
Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti đánh giá, khi đi vào hiệu lực, EVFTA sẽ mang lại những tác động tích cực ngay lập tức cho các doanh nghiệp ở cả Việt Namvà châu Âu. Trong đó, việc cắt giảm thuế quan sẽ áp dụng cho 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng nhập khẩu của EU từ Việt Nam, với một lộ trình hướng tới việc từng bước xóa bỏ thuế quan là 10 năm.
Ông Giorgio Aliberti dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự kiến sẽ tăng 15 tỷ Euro. Trong khi, xuất khẩu của EU dự kiến sẽ chỉ tăng bằng một nửa con số này. Tuy nhiên, những con số này không thể hiện được hết nhiều lợi ích mang tính động sẽ mang lại cho các nền kinh tế và xã hội của cả hai phía.
“Về những lợi ích động, FDI sẽ là một chất xúc tác hết sức quan trọng. Nhưng câu hỏi chính được đặt ra là: Làm thế nào để có được nhiều sự trao đổi thương mại với EU hơn nhằm có thêm nhiều đầu tư hơn từ EU? Câu trả lời là cho phép và tạo thuận lợi cho nhiều hơn nữa hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu”, ông Giorgio Aliberti cho hay.
Nhận diện thách thức
Tại Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA ngày 5/6, TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam chỉ rõ, cơ hội mang lại từ EVFTA là rất lớn, nhưng sẽ có 4 thách thức trước mắt đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định này: sức ép cạnh tranh từ hàng hóa của EU, các rào cản về kỹ thuật, gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, cạnh tranh về nguồn lao động.
Ngoài 4 thách thức kể trên, 3 vấn đề nổi cộm được TS. Nguyễn Văn Thân đề cập tới là doanh nghiệp Việt thiếu thông tin thị trường, các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này; các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU, trong khi DNNVV Việt Nam đang thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Từ đó, Hiệp hội DNNVV kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, để xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với các quy định của EVFTA, để các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý, thực thi một cách hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành hữu quan thông qua các phương tiện truyền thông, tích cực và tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA thông qua các khóa tập huấn về EVFTA, để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho các doanh nghiệp, giúp họ thực thi Hiệp định hiệu quả.
Đồng thời, cần tăng cường nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất cho vay ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA.
Ở góc độ của một chuyên gia nước ngoài, TS John Walsh – Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị (Đại học RMIT) cho rằng, EVFTA không đảm bảo sự thành công cho doanh nghiệp. Sẽ có doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì sự dịch chuyển và xáo trộn mà các thay đổi diễn ra.
Ông John Walsh gợi ý, đối với doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sang châu Âu, họ nên bắt tay với một đối tác châu Âu có chuyên môn về thị trường phân phối và bán lẻ địa phương (giống như các công ty nước ngoài vẫn thường làm khi đến Việt Nam).
Đối với những doanh nghiệp đang đối mặt với gia tăng cạnh tranh ở thị trường nội địa, một số sẽ tiếp tục cố gắng cạnh tranh hoàn toàn bằng chi phí thấp và sẽ có người thành công. Một số có thể tận dụng những lợi ích khác của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam như hiệu ứng lan tỏa về quản lý và công nghệ.
“Hầu hết các ví dụ tôi nêu ra đều đến từ lĩnh vực hàng tiêu dùng, vốn là lĩnh vực quen thuộc hơn với công chúng. Nhưng lĩnh vực hàng tư liệu sản xuất hay hàng công nghiệp cũng vậy. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sắp tới sẽ cần nhiều đối tác địa phương có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết. Họ vừa cần đầu tư, vừa cần những người có kỹ năng và kiến thức”, ông John Walsh đề xuất.
Theo Thái Hoàng/Thời báo Ngân hàng