Vừa hạn chế tối đa việc kiểm tra để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vừa đảm bảo việc nắm nắm bắt, phân tích, đánh giá thông tin để kiểm tra trường hợp có dấu hiệu vi phạm đạt hiệu quả cao là những chuyển biến đáng ghi nhận của Cục Kiểm tra sau thông quan.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/10, toàn Ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.161 cuộc, trong đó có 346 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 815 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 931,34 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách số tiền là 870,71 tỷ đồng.
Riêng Cục Kiểm tra sau thông quan đóng góp số thu ngân sách hơn 492 tỷ đồng, chiếm 56,5% tổng số tiền thu nộp ngân sách của toàn lực lượng.
Đáng chú ý, số cuộc kiểm tra của Cục Kiểm tra sau thông quan so với cùng kỳ 2019 giảm 115 cuộc (86 so với 201 cuộc của năm 2019), nhưng số thu ngân sách tăng hơn 100 tỷ đồng (cùng kỳ 2019 là 381,6 tỷ đồng).
Như vậy, bình quân mỗi cuộc kiểm tra sau thông quan do Cục thực hiện từ đầu năm đến nay mang về số thu nộp ngân sách hơn 5,7 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ 2019 bình quân chỉ là 1,9 tỷ đồng/cuộc).
Để có được sự chuyển biến và kết quả tích cực nêu trên, thời gian qua, Cục Kiểm tra sau thông quan đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nội dung công việc liên quan như: Đề án “Nâng cấp hệ thống STQ01” thông qua tổ chức kiểm tra chạy thử và sửa đổi các chức năng hệ thống STQ02 (hệ thống nâng cấp từ hệ thống STQ01). Tiếp tục triển khai đưa tư duy và phương pháp điều tra vào trong công tác kiểm tra sau thông quan; rà soát thực hiện thống nhất thẩm quyền ký quyết định kiểm tra sau thông quan, xử lý kết quả kiểm tra, xử lý khiếu nại, cách thức thực hiện kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc; hoàn thành đề cương quy trình sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm tra…
Đặc biệt, tại Quyết định số 335/QĐ-KTSTQ ngày 7/8/2020 về việc xây dựng kế hoạch định hướng, kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện trong kiểm tra sau thông quan đã đặt ra mục tiêu: công tác kiểm tra sau thông quan được thực hiện có kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm, tránh kiểm tra tràn lan, thiếu hiệu quả; xây dựng được kế hoạch định hướng kiểm tra sau thông quan theo thời hạn 1 năm, theo yêu cầu quản lý trọng tâm của Ngành trong từng giai đoạn hoặc kiểm soát những nguy cơ rủi ro cao vi phạm pháp luật phát sinh trong từng thời kỳ.
Song song với đó, Cục Kiểm tra sau thông quan đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình đào tạo cho lớp học nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan dành cho cán bộ công chức mới của Cục; tiếp tục xây dựng tài liệu hướng dẫn về công tác xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại; kế hoạch định hướng chuyên đề phế liệu nhập khẩu để triển khai đào tạo cho cán bộ công chức trong lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn Ngành…
Một kết quả nổi bật khác của Cục Kiểm tra sau thông quan trong thời gian vừa qua là làm tốt vai trò chủ công trong đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa. Thông qua kết quả kiểm tra, đơn vị đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm, truy thu nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng.
Quan trọng hơn, hiệu quả đấu tranh với hành vi vi phạm về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp không chỉ chống thất thu ngân sách, mà đó là việc bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ, phát triển sản xuất trong nước; góp phần tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam trong các FTA. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu để ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm; cộng đồng doanh nghiệp được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ các quy định của Việt Nam thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, doanh nghiệp đã đầu tư đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.
Kết quả của công tác kiểm tra sau thông quan cho thấy, lực lượng kiểm tra sau thông quan vừa thực hiện chủ trương chung về hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 nhiều phức tạp, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan và ngày càng khẳng định được vai trò là một trong những công cụ quan trọng của quản lý hải quan hiện đại.