Categories Thị trường

Chú trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Cần tăng cường thể chế chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất đặc sản địa phương, xúc tiến thương mại sản phẩm chuyên nghiệp bài bản. Xây dựng vận hành hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm đặc sản một cách khoa học đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Nhật Bản luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam – Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD. Hiện Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Về cơ bản, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam mang tính bổ trợ, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Với dân số hơn120 triệu người, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn với hàng hóa nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Trong đó, cá tôm, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả tươi, cà phê… là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ.

chu trong xuat khau sang thi truong nhat ban
Cần chủ động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông sản XK vào thị trường Nhật.

Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam và Nhật Bản là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJCEP).

Ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý, các DN cần nắm rõ được các hiệp định này để tận dụng các lợi thế khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nhằm giúp các DN Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các DN, về xu hướng tiêu dùng, về văn hóa kinh doanh tại nước sở tại. Qua đó, DN Việt Nam tìm được thị trường ngách có thể tận dụng khai thác hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Theo bà Thúy Hà – Phụ trách Chi nhánh thương vụ Osaca tại Nhật Bản, người Nhật rất coi trọng chữ Tín, chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến có những quy định rất cụ thể về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam – Nhật Bản cho rằng, thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ nông thủy sản rất lớn. Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nhập khẩu của Nhật Bản rất cao. Cần tăng cường cơ chế liên kết và sự chung tay của nhà nước, DN, nhà nông, nhà khoa học trên trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản. Theo đó, cần tăng cường thể chế chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất đặc sản địa phương, xúc tiến thương mại sản phẩm chuyên nghiệp bài bản. Xây dựng vận hành hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm đặc sản một cách khoa học đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Người nông dân cần chủ động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo nền tảng xuất khẩu bền vững. Các nhà khoa học cần chủ động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm trên thị trường. Về phía DN, cần xây dựng liên kết giữa các DN nhỏ với nhau, hoạt động theo chuỗi giá trị, qua đó tạo ra sức mạnh tập thể, xây dựng được các thương hiệu mạnh có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Việc xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản nói chung và đặc sản địa phương nói riêng của Việt Nam thời gian vừa qua được Chính phủ xác định là yếu tố sống còn để nâng cao sức cạnh tranh và quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế. Việc học hỏi kinh nghiệm của các nước áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam là một trong những hướng đi trực tiếp giúp Việt Nam có thể xây dựng và phát triển các chiến dịch quảng bá có khả năng mang lại hiệu quả. Thời gian tới, Ban Kinh tế (Hiệp hội DN Việt Nam – Nhật Bản) sẽ thành lập một nhóm trực tiếp đi khai thác thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các DN cũng tổ chức lựa chọn hàng hóa có chất lượng cao, có chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế để giới thiệu tại thị trường Nhật Bản.

Theo Hồng Hạnh/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email