Chủ động trước phòng vệ thương mại

Trên “sân chơi” chung của toàn cầu khi xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), phòng vệ thương mại chính là “van an toàn” mà các nước sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Đây là điều không thể tránh khỏi và sẽ ngày càng gia tăng cùng với quá trình gia tăng xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp ứng phó để tự bảo vệ chính mình.

Xu hướng phòng vệ thương mại sẽ gia tăng

Báo cáo “Hội nhập kinh tế Quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây đã chỉ ra, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Nguyên nhân là do kinh tế – xã hội khó khăn, nhiều nước có nhu cầu bảo vệ, hỗ trợ sản xuất trong nước để hỗ trợ người dân có việc làm, thu nhập. Thậm chí, có nước lợi dụng việc kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 như một hàng rào kỹ thuật gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, kinh tế khó khăn cũng thúc đẩy nhiều nước tìm kiếm các liên kết kinh tế mới để tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng kinh tế trong và sau dịch Covid-19, cũng như giành vị thế có lợi hơn trong mạng lưới chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu đang được sắp xếp lại do tác động của đại dịch.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của hơn 200 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Lý giải nguyên nhân phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng, bà Phạm Châu Giang – Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho rằng, khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các rào cản thuế quan hầu như đã được gỡ bỏ, khi đó, tất cả các nước đều phải giữ lại cho mình một chiếc “van an toàn” làm công cụ bảo vệ khi một ngành sản xuất nào bị ảnh hưởng nặng nề.

chu dong truoc phong ve thuong mai
Xuất khẩu gia tăng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn với phòng vệ thương mại

Trong ba năm gần đây, Việt Nam đã thực thi nhiều FTA có tác động sâu rộng đến nền kinh tế như CPTPP, EVFTA… đã giúp xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Đến nay, trừ thị trường Mỹ, đa số các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đều không còn rào cản về thuế quan. Do đó, các công cụ phòng vệ thương mại nổi lên như một điều tất yếu cần phải xảy ra. Theo tính toán, các biện pháp phòng vệ thương mại đang ảnh hưởng đến khoảng hơn 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó nhiều nhất là các mặt hàng về kim loại, sau đó là các sản phẩm nông sản, gỗ, mật ong và các mặt hàng công nghiệp khác.

Theo TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ – Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, xu thế tự do hoá và bảo hộ thương mại đang diễn ra song song với nhau và trỗi dậy rất mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia đều có đặc thù, lợi thế cạnh tranh riêng và họ có nhu cầu để bảo vệ lợi ích quốc gia trong cuộc chơi toàn cầu.

Mặt khác, ảnh hưởng của đại dịch trên toàn thế giới gây ra sự đứt gãy dòng vận chuyển, các nước càng tìm đến nhiều hơn các công cụ được phép để bảo vệ chính mình. Mỗi cuộc chơi đều có luật chơi và phòng vệ thương mại chính là luật chơi công bằng để các nước tự bảo vệ mình khi làn sóng nhập khẩu từ các quốc gia khác ùa vào. Hiện nay, bên cạnh ba trụ cột chính trong phòng vệ thương mại là tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, đã phát sinh thêm biện pháp là chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đây là điều mặc nhiên mà các doanh nghiệp phải đối mặt, câu chuyện đặt ra là doanh nghiệp cần làm gì để tối đa hoá lợi ích và giảm thiệt hại khi đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó

Ông Ngô Sĩ Hoài – Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) chia sẻ, hiện nay, sản phẩm gỗ của Việt Nam đang đối diện với nhiều nguy cơ về kiện phòng vệ thương mại, trong khi đó, năng lực ứng phó với vấn đề này của các doanh nghiệp gỗ hiện còn rất nhiều hạn chế. Theo ông Hoài, hiện có trên 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ, trong đó hơn một nửa có hoạt động xuất khẩu nhưng hầu hết đều là DNNVV và họ không hiểu biết nhiều về luật pháp quốc tế, ngoại ngữ… để bảo vệ mình khi có sự cố.

Không chỉ có các doanh nghiệp trong ngành gỗ, theo thống kê, đa số doanh nghiệp Việt Nam còn đang rất hạn chế hiểu biết về phòng vệ thương mại. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực xuất khẩu, doanh nghiệp cần phải tự nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, thông qua việc tìm hiểu rõ quy định của nước nhập khẩu, có những bộ phận phụ trách riêng để giải quyết khi có rủi ro xảy ra. Cũng theo các chuyên gia, doanh nghiệp không nên phụ thuộc vào một thị trường mà nên chủ động đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm chứ không chạy theo cạnh tranh về giá.

Tuy vậy, ngoài nỗ lực từ phía doanh nghiệp, cũng cần sự chung tay từ phía các cơ quan chức năng. Các chuyên gia đến từ VEPR kiến nghị, Việt Nam cần xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan; tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O. Các cơ quan chức năng cũng cần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, nghiên cứu, chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp.

Đại diện cơ quan quản lý, bà Phạm Châu Giang cho biết, để “tăng sức đề kháng” cho doanh nghiệp, hiện Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ một số đề án, trong đó nêu rõ chiến lược ứng xử với phòng vệ thương mại trong thời gian tới. Theo đó, chiến lược gồm ba trụ cột chính, thứ nhất Việt Nam sẽ xây dựng, vận hành hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động thông tin, chiến lược ứng phó; thứ hai là tăng cường biện pháp quản lý nhà nước, ngăn chặn việc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh phòng vệ thương mại; thứ ba là nâng cao năng lực cho khối doanh nghiệp trong việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Thông qua đó, dù đối mặt với phòng vệ thương mại thì cũng có thể không ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu của doanh nghiệp nói riêng và xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

Theo Quỳnh Trang/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email