Vietcombank đã có những bước đi, kế hoạch chủ động để không bị động, bất ngờ, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa duy trì liên tục hoạt động kinh doanh, cung ứng các sản phẩm dịch vụ cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và khách hàng, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và phát triển.
Chủ động để không bị bất ngờ
Xuyên suốt năm 2020 và đến thời điểm hiện nay, gần cuối năm 2021, tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt của nền kinh tế – xã hội, tác động tiêu cực tới từng doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất cùng người dân tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Để “chống dịch như chống giặc” đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu ngành Ngân hàng. Với vị thế ngân hàng hàng đầu Việt Nam, Vietcombank đã có những bước đi, kế hoạch chủ động để không bị động, bất ngờ, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa duy trì liên tục hoạt động kinh doanh, cung ứng các sản phẩm dịch vụ cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và khách hàng, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và phát triển.
Những tháng đầu năm 2020, ngay khi có ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, lường trước được hậu quả mà đại dịch có thể gây ra và xác định đây là một nội dung quan trọng nên Vietcombank đã khởi động công tác phòng, chống dịch từ rất sớm.
Ngày 31/01/2020, Vietcombank đã ban hành công văn hỏa tốc gửi toàn hệ thống về triển khai phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Theo đó, đã xây dựng một kế hoạch tổng thể với các kịch bản và giải pháp cụ thể (bao gồm y tế, nhân sự, vật lực…) để phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên (CBNV), duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và sự ổn định của ngân hàng.
Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo tại TSC và các tiểu ban trong toàn hệ thống, do người đứng đầu làm trưởng Ban/trưởng Tiểu ban. Đặc biệt, sau Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bám sát các chỉ đạo, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, NHNN Việt Nam, Vietcombank đã triển khai vận hành kế hoạch dự phòng nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.
Khi tình hình dịch bệnh tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bùng phát và ở Việt Nam có ổ dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 07/02/2020, Vietcombank ngay lập tức kích hoạt kế hoạchchuẩn bị ứng phó sự cố dịch bệnh COVID-19.
Toàn hệ thống triển khai hoạt động kinh doanh theo phương án hiệu quả và an toàn nhất; hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài hay các lịch công tác chưa thật sự cần thiết; các cuộc họp trực tiếp, các sự kiện tổ chức đông người được chuyển sang hình thức họp trực tuyến, cầu truyền hình…
Cuối tháng 12/2020, trước tình hình dịch bệnh ngày một gia tăng, thực hiện theo Công điện số 1699/CĐ-TTg và công văn số 9188/NHNN-VP, ngày 30/12/2020, Vietcombank tiếp tục có văn bản về kế hoạch kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát làm việc với các chi nhánh đóng trên các địa bàn tỉnh, thành phố nơi có tình hình dịch bệnh phức tạp, đảm bảo kinh doanh liên tục tại một số chi nhánh, đơn vị với thời gian cả trước và sau Tết Tân Sửu.
Đặc biệt, để không bị động, bất ngờ và chủ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu, Vietcombank đã quán triệt toàn hệ thống nâng cao ý thức, cảnh giác cao độ, nghiêm túc thực hiện những nội dung trọng yếu như: Thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động thực hiện theo thông báo/chỉ đạo/hướng dẫn của Bộ Y tế, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền. Bố trí cán bộ ứng trực 24/24h (bao gồm cả thành viên Ban lãnh đạo/Ban giám đốc) trong thời gian nghỉ Tết, đảm bảo ứng phó kịp thời khi phát sinh tình huống khẩn cấp. Thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin, và triển khai các hành động cụ thể cần thiết… CBNV Vietcombank được quán triệt tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch, nhất là các kỳ nghỉ Lễ và dịp chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; luôn sẵn sàng ở mức cao nhất trong công tác phòng, chống dịch, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng.
Với đặc thù của ngành kinh doanh dịch vụ, thường xuyên phải tiếp xúc khách hàng, Vietcombank rất quan tâm tìm kiếm, thu xếp nguồn vắc xin để tiêm phòng cho CBNV bởi khi đã được tiêm chủng thì đây chính là “thành trì” trong việc kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, nhằm ổn định tâm lý của CBNV, người đứng đầu Vietcombank đã gửi Thư tới từng người lao động để động viên, chia sẻ và quán triệt nhận thức cho CBNV trong phòng, chống dịch COVID-19, coi đây là một phần rất quan trọng để chiến thắng đại dịch.
Các kênh truyền thông của Vietcombank cũng được vận hành tối đa bằng nhiều hình thức/kênh thông tin đa dạng để kịp thời truyền tải đến CBNV về những thông tin hữu ích cũng như cập nhật các chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế…
Các bộ phận hỗ trợ “trực chiến” luôn chuẩn bị sẵn sàng các mẫu báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, NHNN, UBND các tỉnh/thành phố…) về các trường hợp nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh tại Vietcombank và thực hiện báo cáo ngay khi xảy ra tình huống thực tế.
Cùng với đó, CBNV cũng được quán triệt nghiêm túc trong khai báo y tế/khai báo khi di chuyển ra ngoài địa bàn sinh sống theo các mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền quy định.
Ngoài ra, Vietcombank cũng thường xuyên tổ chức diễn tập phòng, chống COVID-19 theo nhiều kịch bản, phương án giả định để luôn chủ động, không bị bất ngờ trước mọi tình huống…
Tất cả các động thái trên đã cho thấy tầm nhìn của Vietcombank khi đó, bởi tất cả các kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện của Vietcombank cho đến thời điểm hiện nay đều cho thấy tính phù hợp và đúng đắn, góp phần không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục
Với vai trò và trách nhiệm của mình, trong suốt 4 làn sóng của đại dịch COID-19, Vietcombank hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ 1 ngày. Và để triển khai tất cả các hoạt động phải duy trì liên tục, Vietcombank đã liệt kê toàn bộ hoạt động đang triển khai, qua đó xác địch đâu là công việc/hoạt động có thể làm việc từ xa, không cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với khách hàng; giữa CBNV; đồng thời quán triệt việc hạn chế di chuyển để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và tại nơi làm việc.
Toàn hệ thống đặc biệt tuân thủ quy định của chính quyền các cấp; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để ứng phó với dịch bệnh theo từng kịch bản, từng cấp độ rủi ro, trong đó có phương án hỗ trợ giữa các điểm giao dịch, các chi nhánh trong trường hợp cần thiết, đảm bảo hoạt động thông suốt.
Để khách hàng, đối tác và người dân nắm bắt được lịch làm việc của ngân hàng, qua đó chủ động xây dựng kế hoạch/phương án kinh doanh, Vietcombank đã thực hiện truyền thông rộng rãi bằng nhiều hình thức/kênh truyền thông như dán thông báo tại các điểm giao dịch; đăng tải thông tin trên website; gửi email, điện thoại, trao đổi trực tiếp với từng khách hàng…
Khi dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài bởi làn sóng thứ 4 của đại dịch, để đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, Vietcombank tổ chức thực hiện phương án làm việc từ xa, làm việc theo ca (với phương án quân số 30%, 70% tùy theo điều kiện từng thời điểm).
Tại nhiều nơi, các chi nhánh và phòng giao dịch Vietcombank đã tổ chức làm việc theo các phương án “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường” với nhiều lượt cán bộ sẵn sàng xung phong ở lại cơ quan làm việc, đảm bảo cung ứng dịch vụ liên tục trong hoàn cảnh phong tỏa và giãn cách xã hội, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ và sự thông suốt của huyết mạch tài chính quốc gia.
Những nỗ lực của hệ thống Vietcombank đã mang đến các kết quả quan trọng: (i) An toàn sức khỏe của cán bộ được đảm bảo; (ii) Hoạt động của hệ thống được duy trì liên tục. Vietcombank tiếp tục khẳng định vị trí ngân hàng số 1 tại Việt Nam; (iii) Tiên phong đồng hành hỗ trợ khách hàng cùng vượt qua đại dịch với quy mô số tiền lãi hỗ trợ trên 10.000 tỷ đồng trong các năm 2020 và 2021.
Đóng góp lớn cho các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, Vietcombank cũng luôn chủ động, tiên phong trong công tác ASXH và chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch COVID-19. Kể từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã tích cực ủng hộ cho các hoạt động phòng, chống dịch như: Ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19; hỗ trợ cho các cơ sở y tế, các địa phương bùng phát dịch… với kinh phí lên đến hơn 379 tỷ đồng.
Nhiều hoạt động nổi bật gần đây có thể kể đến như: Trong tháng 8/2021, với mong muốn đóng góp những giá trị thiết thực cho cộng đồng, giúp đỡ người dân nghèo và nhóm người yếu thế vượt qua giai đoạn khó khăn, Vietcombank đã ủng hộ 50.000 túi quà an sinh trị giá 12,5 tỷ đồng trong chương trình “Triệu túi an sinh” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Mới đây nhất, ngày 13/09/2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, tại Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Vietcombank cũng đã ủng hộ 25 tỷ đồng với mong muốn đem đến cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để học tập hiệu quả hơn, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Mỗi tấm lòng trao đi, một thông điệp ở lại. Hàng ngày, hàng tháng, hàng chục, hàng trăm tin/bài hình ảnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng về hình ảnh Ban lãnh đạo, người lao động Vietcombank đã, đang và luôn chung tay cùng chính quyền và các đoàn thể và người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Những nghĩa cử chia sẻ, đùm bọc đó rất đáng trân trọng và luôn được xã hội ghi nhận. “Vietcombank không chỉ là nơi để làm việc mà còn là nơi để yêu thương” – câu nói đó đã thấm nhuần trong mỗi trái tim VCBers. Để từ đây, lại được lan tỏa, trao truyền… thể hiện “tình đất nước, nghĩa đồng bào”.
Theo Đặng Thành/Thời báo Ngân hàng