Chỉ số xét nghiệm hơi cao, đừng chủ quan!

Nhiều người thở phào khi thấy kết quả khám, xét nghiệm có chỉ số hơi cao – chưa đến mức gọi là bệnh. Song, thực tế họ đã rơi vào “vùng xám” – chủ quan là thành bệnh.

Một năm trước, chị Trần Thị D.T (29 tuổi) đi xét nghiệm và được bác sĩ (BS) thông báo đường huyết hơi cao. Chị đã giảm ăn ngọt nhưng thỉnh thoảng vẫn dùng ít chè, kem, trà sữa vì nghĩ rằng mình còn trẻ. “Mấy tháng nay, tự dưng tôi háu đói, ăn trễ một chút là khó chịu, có bữa run tay chân. Tôi định đi khám xem tại sao run tay chân nhưng chưa kịp thì bữa đó ăn bánh đỡ đói, người bỗng bủn rủn, phải nhập viện” – chị kể.

Không quá lo nhưng đừng coi là bình thường

BS chẩn đoán chị D.T mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp hạ… vì bị tăng đường huyết đột ngột. Nguyên nhân là do chị đã từ giai đoạn tiền tiểu đường thành tiểu đường type 2.

Theo BS Cao Thị Vân, Phó trưởng Khoa Hóa sinh Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM), khi người dân đến khám sức khỏe tổng quát hoặc nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, BS sẽ chỉ định họ đi xét nghiệm máu. Trong đó, xét nghiệm sinh hóa máu sẽ cung cấp các chỉ số như: AST (Aspartate Transaminase), ALT (Aspartate Amino Transferase) liên quan chức năng gan; Creatinin, Ure liên quan chức năng thận; Cholesterol, Triglycerid liên quan mỡ máu; nồng độ glucose liên quan đường huyết…

Các chỉ số sinh hóa máu giúp BS tiện theo dõi, đánh giá những chức năng của các cơ quan trong cơ thể, tình hình sức khỏe cũng như giúp tầm soát, phát hiện các bệnh liên quan. Khi các chỉ số này nằm trong giới hạn an toàn thì có thể tạm yên tâm về tình trạng sức khỏe tại thời điểm khảo sát.

Khi các chỉ số hơi cao hoặc hơi thấp hơn ngưỡng bình thường, chúng ta đang rơi vào “vùng xám” trong xét nghiệm. Điều đó có nghĩa là sức khỏe của chúng ta có chút bất ổn. Ví dụ, các chỉ số nội tiết nam/nữ nằm trong “vùng xám” ít nhiều phản ánh những rối loạn về sức khỏe sinh sản. Chỉ số đường huyết nằm trong “vùng xám” cũng có thể là dấu hiệu tiền tiểu đường hoặc đang bị tiểu đường.

Lấy máu xét nghiệm tại Trung Tâm Y Khoa MEDIC (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các nghiên cứu trên thế giới cũng đưa ra một số cảnh báo về những thứ “hơi cao” nhưng chưa đến mức gọi là bệnh. Gây chấn động nhất có thể kể đến là nghiên cứu công bố trên European Heart Journal năm 2018 của University College London (trường thành viên của Đại học London – Anh). Theo đó, huyết áp chỉ cần ở mức 130/80 mmHg là đủ làm tăng 45% nguy cơ mất trí nhớ – nhóm bệnh gây chết sớm hàng thứ 5, không thuốc chữa. Trong khi đó, mức “chuẩn” để chẩn đoán cao huyết áp và cần phải dùng thuốc trên toàn thế giới trước giờ là 140/90 mmHg.

Một nghiên cứu khác vào giữa năm 2019 của Bệnh viện Kangbuk Samsung (Seoul – Hàn Quốc) dựa trên dữ liệu của 25 triệu người thì cảnh báo chỉ cần đường huyết ở mức tiền tiểu đường, nguy cơ ung thư tuyến tụy chết người đã tăng cao. Lý do là mức đường huyết hơi không lành mạnh đã đủ kích hoạt căn bệnh này.

Thời gian “thử thách”

PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), nhấn mạnh khi kết quả xét nghiệm có chỉ số nào đó hơi cao, điều đầu tiên bạn nên làm là chú ý lời dặn của BS về thời gian kiểm tra lại.

Việc kiểm tra lại là nhằm xác định rõ vấn đề, loại trừ khả năng các chỉ số chỉ tạm biến động do có thay đổi nào đó trước khi bạn đi khám. Ví dụ, bình thường bạn không nhậu nhiều nhưng trong 1 tuần trước đó, vì lý do bạn bè, gia đình hay công việc, bạn bỗng dùng bia rượu liên tục thì axít uric vẫn có thể tăng cao tạm thời.

Nếu kết quả xét nghiệm, khám lại cho thấy các chỉ số vẫn hơi cao – ví dụ đường huyết ở mức tiền đái tháo đường, đo huyết áp thấy hơi cao hơn người thường nhưng chưa đến mức gọi là bệnh, axít uric hơi cao nhưng chưa bị gút… – các BS sẽ hướng dẫn bạn thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt nhằm đưa các chỉ số về mức bình thường. Cần tuân thủ nghiêm ngặt, bởi nếu để các chỉ số tiếp tục tăng, bạn sẽ bệnh thực sự.

“Một số kết quả xét nghiệm còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan như chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc do quá trình lấy máu có những sai sót nhất định… Tùy loại chỉ số, BS hẹn bạn kiểm tra lại sớm hay phải đợi vài tháng. Chẳng hạn, kiểm tra đường huyết có thể thực hiện lại vào hôm sau nhưng một số xét nghiệm ung thư phải hơn mất 1 tháng sau mới có thể làm lại” – BS Cao Thị Vân giải thích. 

Không nên cố “lành mạnh” ít ngày trước khi khám

PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu lưu ý rằng mọi chỉ số sức khỏe đều cần phản ánh đúng thực tế. Vì vậy, bạn đừng nên cố sống lành mạnh hơn trong thời gian ngắn trước khi khám, xét nghiệm. Vì khi đó, kết quả khám bệnh, xét nghiệm có thể “đẹp” nhưng không phản ánh đúng thực tế. Bạn hãy cứ ăn uống, sinh hoạt theo thói quen bình thường để BS có được kết quả đúng nhất, từ đó mới có lời khuyên và phương án điều trị hợp lý.

Theo Ý LINH – ANH THƯ/Người Lao động