Categories Doanh nghiệp

Các thương hiệu nước ngoài muốn tìm kiếm nhà cung ứng ở TP.HCM

Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Panasonic, Bosch, TTI, Samsung, Klaus… đang muốn tìm nhà cung ứng có đủ năng lực ở TP.HCM.

Nhu cầu lớn

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP, cho hay, Tập đoàn Techtronic Industries TTI của Mỹ (vừa đầu tư 65 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP. HCM) đang cần phát triển 200 nhà cung cấp nội địa trong vòng 1 năm và hiện mới tìm được hơn 50 đơn vị. Chính vì vậy, TP.HCM đã kết nối thêm các doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An để tìm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng.

Cũng theo bà Oanh thì dịch Covid-19 vừa qua làm sản xuất công nghiệp giảm 50% nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn duy trì được hoạt động cho thấy họ rất có thực lực. Các nhà sản xuất đầu cuối nước ngoài đang có nhà máy tại Việt Nam ráo riết tìm kiếm doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ để tăng tỉ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất.

cong-ty-san-xuat-linh-kien-dien-tu-uy-tin-va-chat-
14 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện.

Các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỉ lệ nội địa hóa. Qua 3 kỳ hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, khoảng 45 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp cho những tập đoàn sản xuất lớn.

“Một số doanh nghiệp điển hình như Hiệp Phước Thành, Nhật Minh, Tiến Thịnh… đã có nhiều đơn hàng, cung ứng cho nhiều nhà sản xuất lớn và đang tìm thêm mặt bằng để mở thêm nhà máy”- bà Duy Oanh cho biết.

Bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng bộ phận Quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam cho biết, trong 7 nhà máy Panasonic đang hoạt động ở Việt Nam, tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa hiện đã chiếm 65% về số lượng và 35% về giá trị. Do vậy, cơ hội để doanh nghiệp mở rộng hơn khả năng cung ứng của mình là hoàn toàn khả thi.

“Panasonic không có sự phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước. Cơ hội là như nhau, chúng tôi đưa ra các điều kiện cụ thể, rõ ràng, vấn đề còn lại là nhà cung ứng đáp ứng được các yêu cầu và sản phẩm đạt chất lượng tốt”, bà Thủy chia sẻ.

Theo bà Oanh thì không riêng Panasonic và TTI, mà sự kiện Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020, có đến 14 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện. Những doanh nghiệp này hoạt động trong ngành sản xuất công nghiệp điện tử, thiết bị y tế, cơ khí chế tạo…

Tận dụng cơ hội

Bà Lê Bích Loan, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, vừa qua, ngay tại Khu công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp cũng đã tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến để kết nối trở thành nhà cung ứng.Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng hàng loạt thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa hiệu quả… dẫn đến việc nắm bắt ngay cơ hội chuyển dịch đơn hàng gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Oanh thì để cải thiện điều này, theo các chuyên gia và nhà quản lý, bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và sự đồng hành hỗ trợ của nhà sản xuất (đơn vị mua hàng) thì mới có khả năng cải thiện được phần nào.

Về phía cơ quan quản lý, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Công thương, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, đã hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường cung ứng, gia cố năng lực sản xuất bằng cách cải thiện năng lực quản lý, giảm chi phí sản xuất, giảm lượng hàng tồn kho và hàng lỗi…

Đặc biệt, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn ra được những cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này sẽ tạo động lực kích thích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh góp phần sản xuất và quảng bá hình ảnh sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố.

Theo Vy Vy/Chất lượng&cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email