Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Chính điều này đã tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các tên tuổi bán lẻ trong và ngoài nước tranh đua giành thị phần tại Việt Nam.
Năm 2014, Aeon – thương hiệu bán lẻ hàng đầu Nhật Bản chính thức khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự thâm nhập chính thức của tập đoàn này tại thị trường nước ta. Và sau 5 năm, Aeon đã xây dựng hàng loạt trung tâm mua sắm tại các thành phố lớn của nước ta như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội… Ngoài ra trung tâm mua sắm được xây dựng đầu tiên của tập đoàn này tại quận Bình Tân cũng được mở rộng lên gấp đôi là 70.000 m2 dù nằm ở vùng ven. Điều này cho thấy sức mua sắm của thị trường Việt Nam là rất tiềm năng, khiến các thương hiệu bán lẻ trên thế giới liên tiếp đổ bộ vào nước ta trong thời gian vừa qua.
Ông Yasuo Nishitohge – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam nhận định, trong 6 năm vào thị trường VN, Aeon Việt Nam vẫn đang tiếp tục mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, so với kế hoạch ban đầu đang chậm hơn vì ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường Việt Nam hơn nên việc gia tăng thị phần cũng gặp nhiều thách thức hơn. Trong thời gian tới Aeon sẽ tiếp tục tăng tốc mở các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị và các chuỗi cửa hàng chuyên doanh.
“Chiến lược kinh doanh của chúng tôi là các trung tâm mua sắm của Aeon không chỉ là nơi mua sắm mà còn có khu ăn uống, vui chơi, giải trí, giáo dục, thể thao và dịch vụ tài chính ngân hàng… nó rất đa dạng cho người tiêu dùng… và chúng tôi luôn tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, khác biệt để khách hàng không bị nhàm chán”, ông Yasuo Nishitohge nói.
Ngoài Aeon, các ông lớn trong ngành bán lẻ từ các nước khác cũng đã có những bước đi mạnh mẽ vào Việt Nam, nhằm chia miếng bánh thị phần béo bở tại thị trường tiềm năng này. Đại siêu thị Emart (thuộc tập đoàn Shinsegae) – thương hiệu bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc cũng đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 2015, sau 5 năm tìm hiểu. Dù chỉ mới có 1 siêu thị tại quận Gò Vấp nhưng mức tăng trưởng trung bình của Emart mỗi năm đạt 20%. Ngoài Emart, một thương hiệu khác của xứ sở Kim Chi là Lotte Mart cũng liên tục xây dựng các trung tâm mua sắm để giành thị phần.
Ông Lê Hữu Tình – Giám đốc Marketing Emart Việt Nam chia sẻ, trong 4 năm qua có rất nhiều nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài hoạt động sôi nổi tại thị trường Việt Nam. Emart cũng có hướng đi riêng. Emart ở Hàn Quốc là đơn vị bán lẻ đại siêu thị lớn nhất và có rất nhiều kinh nghiệm khi mang qua Việt Nam thì không sử dụng được hết nhưng cũng có những hiệu quả nhất định. Đến năm 2020 thì Emart sẽ bùng nổ sự đa dạng bằng cách có thêm nhiều siêu thị nữa.
Chứng kiến sự đổ bộ ngày càng mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại, doanh nghiệp bán lẻ trong nước hầu như đã cảm nhận được sức nóng từ sự cạnh tranh. Và trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã có sự chuyển mình tích cực để tránh bị bỏ lại trong cuộc đua giành thị phần. Trong đó điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op, từ một hợp tác xã được hình thành vào năm 1989 và buôn bán những sản phẩm của doanh nghiệp Việt, năm 1996 “ngôi chợ hiện đại” đầu tiên của đơn vị bán lẻ này được mở tại góc đường Cống Quỳnh, quận 1. Sau 3 thập kỷ, Sài Gòn Co.op từ hợp tác xã với doanh thu 1 tỷ đồng /năm đã tăng gấp 30 ngàn lần. Từ 1 điểm bán hàng hiện đại nay đã tăng lên con số gần 1.000 điểm bán trải dọc khắp đất nước với 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày. Trong năm 2019, Saigon Co.op còn đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ khi nhận chuyển nhượng toàn bộ hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ Pháp là Auchan.
Ông Đỗ Quốc Huy – Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết: “Sài Gòn Co.op liên tục thay đổi, liên tục tìm kiếm những mô hình mới để phát triển như cửa hàng tiện lợi Cheers, Co.op Smile, co.op Xtra … đó là những mô hình dành cho những người trẻ. Sang trọng hơn thì có SC Vivo City đó là những mô hình của Sài Gòn Co.op. Các nhà bán lẻ nước ngoài thì họ rất mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lí còn Sài Gòn Co.op thì rất tự tin vào lợi thế hiểu người Việt của mình”.
Không chỉ có Co.op, hệ thống bán lẻ Việt còn có Bách hóa xanh của Thế giới Di động. Dù bước chân vào thị trường bán lẻ khá muộn (năm 2015) nhưng chuỗi siêu thị bán lẻ này cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể khi đạt con số gần 600 điểm bán lẻ tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra còn có các nhà bán lẻ khác như Vinmart, Satra… cũng đang từng ngày mở rộng mạng lưới, giành thị phần để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của thị trường. Những bước đi rõ ràng cùng chiến lược bàn bản, các nhà bán lẻ Việt đã lấy lại được ưu thế trên sân nhà, đồng thời tạo chỗ đứng cho các sản phẩm hàng Việt, tích cực đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo Kim Ngọc/Người tiêu dùng