Các siêu thị bàn cách gỡ khó cho nông sản Việt

Big C đề xuất nông dân liên hệ siêu thị tổ chức kích cầu khi được mùa hoặc gặp khó về đầu ra, còn MM Mega Market cử kỹ sư nông nghiệp làm việc trực tiếp với nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Công ty nông sản sấy khô Hùng Tấn (trụ sở tại tỉnh Đồng Tháp) cho biết đã thành lập doanh nghiệp từ năm 2015 nhưng mất thời gian dài mới có thể ký hợp đồng đầu tiên đưa hàng vào siêu thị lớn. Đặc biệt, qua quá trình làm việc, ông nhận thấy khâu kiểm định chất lượng là một khó khăn lớn.

Theo vị này, hàng hóa được kiểm định chất lượng tại kho của siêu thị, nếu không đạt sẽ bị trả về doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khâu vận chuyển từ kho đến siêu thị do siêu thị thực hiện, nếu hàng không đạt chuẩn, doanh nghiệp lại tiếp tục chịu tổn thất.

“Có nhiều loại sản phẩm, đặc biệt là nông sản tươi, được đánh QC (kiểm định chất lượng – PV) tại kho 5%, đến khâu vận chuyển tới siêu thị lại đánh tiếp 10-15%, thậm chí 30% nữa thì doanh nghiệp làm sao sống nổi?”, ông chia sẻ.

Chuong trinh Kich cau tieu dung nam 2020 cua TP.HCM anh 1
Nông sản tươi gặp khó khăn trong khâu kiểm định chất lượng khi lên kệ siêu thị. Ảnh: Lan Anh

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương – Giám đốc ngành hàng tại Bách Hóa Xanh cho rằng mỗi hệ thống phân phối có quy chuẩn riêng để đảm bảo chất lượng hàng hóa và uy tín của đơn vị. Bà khẳng định những khó khăn này chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu hợp tác, khi hai bên chưa làm việc đủ nhiều để hiểu nhau.

“Còn tại Bách Hóa Xanh thì thủ tục giấy tờ và các tiêu chuẩn đầu vào rất đơn giản để hỗ trợ doanh nghiệp”, bà nói.

Đây là những chia sẻ tại hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Đồng Tháp và TP.HCM tối 2/7, trong khuôn khổ chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 của TP.HCM. Cũng tại đây, các hệ thống siêu thị đã đưa ra một số đề xuất và phương án hỗ trợ doanh nghiệp nông sản của tỉnh Đồng Tháp.

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc điều hành MM Mega Market cho biết thường xuyên cử kỹ sư nông nghiệp đến làm việc trực tiếp tại nông trại với nông dân nhằm trao đổi kinh nghiệm và yêu cầu, mong muốn giữa 2 bên. Điều này đảm bảo quá trình hợp tác diễn ra thuận lợi, đồng thời hộ sản xuất có thể nâng cao sức cạnh tranh khi đưa hàng đến các đơn vị phân phối và thị trường khác.

Bên cạnh đó, ông cho biết MM Mega Market sẽ tiếp tục triển khai hội nghị kết nối cung cầu cho nông sản Việt Nam tại Thái Lan, Singapore và nhiều quốc gia tiềm năng khác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống của Central Việt Nam – đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị Big C, đề nghị có kết nối hai chiều giữa đơn vị sản xuất và phân phối.

“Siêu thị về địa phương tìm nguồn hàng, nhưng nông dân và các tỉnh nếu có sản phẩm được mùa hoặc trục trặc trong xuất khẩu cũng cần chủ động đề xuất với siêu thị để tổ chức các sự kiện kích cầu quy mô lớn”, ông nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Central cho rằng người dân tại các địa phương đa phần trồng các loại nông sản giống nhau, do đó vô tình cạnh tranh với nhau để vào siêu thị. Ông đề xuất doanh nghiệp và hộ sản xuất chủ động tìm hướng chế biến nông sản, thay đổi phân khúc khách hàng mục tiêu… để cải thiện tình trạng này.

Ngoài ra, địa phương cũng cần có giải pháp hỗ trợ cho các hộ nông dân về các vấn đề công nghệ, kỹ thuật, đơn cử như việc kiểm tra đơn hàng qua email, điện thoại, để việc bán hàng trong siêu thị trở nên dễ dàng hơn.

Chuong trinh Kich cau tieu dung nam 2020 cua TP.HCM anh 2
Khu vực gian hàng của tỉnh Đồng Tháp tại chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 của TP.HCM. Ảnh: Lan Anh

Nói riêng về tỉnh Đồng Tháp, ông Kiều Trinh cho biết tỉnh chiếm tỷ trọng 13% trên tổng 20 tỷ doanh số của các hợp tác xã bán tại Big C năm 2019. Bất chấp Covid-19, địa phương vẫn duy trì doanh số ổn định. Trong khi đó, Saigon Co.op đã hợp tác với vài chục doanh nghiệp của tỉnh, mỗi tháng ghi nhận doanh thu vài chục tỷ đồng.

Cũng trong tối 2/7, đại diện các siêu thị và trung tâm thương mại Gigamall đã ký kết hợp tác tiêu thụ hàng hóa với nhiều doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 của TP.HCM diễn ra từ ngày 2-5/7 có quy mô 650 gian hàng của 486 doanh nghiệp từ 29 tỉnh, TP. Trong đó, riêng TP.HCM có 329 gian hàng. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, có đến 90% doanh nghiệp tham gia thực hiện khuyến mãi hàng hoá.

Sau thời gian này, địa điểm tổ chức chương trình là khu vui chơi, ẩm thực, mua sắm nông sản, đặc sản Việt Terazone được tổ chức thành sàn giao dịch cho ngành nông nghiệp Việt, vừa hỗ trợ tiêu dùng nội địa, vừa góp phần mang đến sản phẩm du lịch mới cho TP.HCM.

Theo Lan Anh/Zingnews.vn