Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngành cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng lợi nhờ nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng. Điều kiện làm việc thay đổi do tác động của dịch bệnh, cùng với việc nâng cao mức sống, được dự đoán là sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường toàn cầu.
Cục Xuất Nhập khẩu dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 07/2022 đạt 125 nghìn tấn, trị giá 284 triệu USD, giảm 9,0% về lượng và giảm 9,9% về trị giá so với tháng 06/2022. Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 07/2022 ước đạt mức 2.272 USD/tấn, giảm 1,0% so với tháng 06/2022.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đối mặt với khó khăn do chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến trạng lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá cà phê ở mức thấp.
Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê Robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021.
Quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực Châu Âu và Châu Á giảm so với quý I/2022, nhưng xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ tăng 33,2%; châu Đại Dương tăng 12,1%; châu Phi tăng 11%. So với quý II/2021, xuất khẩu cà phê sang tất cả các châu lục tăng. Trong đó, tốc độ xuất khẩu sang Châu Đại Dương tăng cao nhất (tăng 134,6%); Châu Á thấp nhất (tăng 8,2%).
Trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu xung đột vũ trang Nga và Ukraina chưa sớm chấm dứt, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại của quý III/2022.
Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê thế giới cũng dự báo ngành cà phê toàn cầu sẽ đối mặt với khó khăn trong ngắn hạn, do suy thoái kinh tế và nhu cầu tiêu thụ chậm.
Theo Hà Trần/Thương hiệu&Công luận