Bỗng dưng trở thành con nợ của FE CREDIT

Chẳng hề vay vốn tiêu dùng tín chấp. Thế nhưng, ông Trần Minh Trường (SN 1986, Phú Nhuận, TP.HCM) như ngồi trên đống lửa bởi khoản nợ từ trên trời rơi xuống với Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) kèm số tiền hàng chục triệu đồng. Sự việc diễn ra từ sự cố “loằng ngoằng” khi bị nhà mạng Vinaphone nhiều lần “bán trộm” sim điện thoại của ông…

Từ việc bị Vinaphone 2 lần bán trộm sim….

Ông Trần Minh Trường cho biết, ông sử dụng thuê bao 0834590XXX nhiều năm và có đăng ký chính chủ với nhà mạng Vinaphone. Vào chiều ngày 26/1/2021, ông bị hơn chục số điện thoại lạ có đầu số giống nhau như 0879422964; 0879422966; 0879422970….gọi vào thuê bao của ông liên tục, tuy nhiên khi ông bắt máy thì đầu dây bên kia không có ai trả lời. Khoảng 45 phút sau, ông phát hiện sim của mình bị vô hiệu hóa, không sử dụng được nên đã liên hệ Chi nhánh Vinaphone tại 80 Nguyễn Du, Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, tại đây ông được thông báo rằng sim đã bị bán cho một người khác tại quận 7, TP.HCM…?.Mặc dù chưa có sự đồng ý của ông. Sau khi được nhân viên cho biết sự nhầm lẫn trên, thì sim của ông đã được cấp mới và tiếp tục sử dụng thuê bao bình thường. Lúc này, ông Trường có cảnh báo nhân viên nhà mạng về trường hợp nguy hiểm đến tài sản của ông như các mã OTP tài khoản ngân hàng.

Ông Trường đã khiếu nại Vinaphone nhiều lần về sự việc bán trộm sim
Ông Trường đã khiếu nại Vinaphone nhiều lần về sự việc bán trộm sim.

Những tưởng sự việc đã được Vinaphone “rút kinh nghiệm”, nhưng khoảng 15h26’ ngày 23/2/2021, ông Trường tiếp tục bị 2 số điện thoại: 0822732576 và 0918509706 liên tục gọi vào số thuê bao của mình, nhưng cũng giống như lần trước khi ông Trường bắt máy thì không nhận được tín hiệu. Đến khoảng 15h36’, ông phát hiện sim của mình bị vô hiệu hóa như lần trước. Và lần này, ông Trường lại được Chi nhánh Vinaphone 80 Nguyễn Du thông báo là sim của ông tiếp tục bị bán cho một khách hàng khác có chi nhánh tại Quảng Bình?!. Đến 16h cùng ngày, thuê bao của ông được “trả lại” nhưng thiếu sự xin lỗi thiện chí của nhà mạng khi gây ra sự cố cho khách hàng.

….đến việc thành con nợ bất đắt dĩ của FE CREDIT

Hơn 8 năm trước, trong một lần “kẹt” tiền để mua phương tiện cá nhân, ông Trần Minh Trường buộc phải vay khoản vay của FE CREDIT. Trong lần đó, để đảm bảo được vay thì ngoài giấy tờ gốc của phương tiện được giữ lại, ông còn phải cung cấp thông tin cá nhân như hộ khẩu, CMND, hóa đơn điện nước…Sau khi trả được khoản nợ trên, ông không hề vay mượn thêm FE CREDIT mặc dù vẫn liên tục nhận được các tin nhắn “chào mời” vay vốn. Đến tháng 10/2020, bỗng nhiên ông được FE CREDIT “tặng” cho một thẻ mastercard FE CREDIT được gửi tận nhà, qua đường bưu điện, mặc dù ông không hề có nhu cầu sử dụng và thông tin cá nhân như CMND đã hết hạn nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, do nghĩ rằng nếu không “xài” tiền trong thẻ thì cũng không phải mượn nợ FE CREDIT nên cũng không trả lại.

Chiếc thẻ
Chiếc thẻ “tặng” hiện trở thành món nợ bất đắt dĩ.

Đến ngày 26/2/2021, bỗng dưng ông nhận được tin nhắn từ FE CREDIT là có giao dịch qua thẻ số tiền 49.943.790 đồng và chuyển đổi qua trả góp kỳ hạn 12 tháng với phí chuyển đổi là 1.992.757 đồng khiến ông hốt hoảng vì ông không hề sử dụng thẻ. Sau đó, ông liên hệ cho FE CREDIT và được nhân viên tư vấn thông báo rằng thẻ của ông đã được kích hoạt vào ngày 23/2/2021 với 3 lần gửi số OTP vào lúc 22h45’; 22h46’ và 22h49’ giao dịch online qua web nganluong.vn và lấy đi số tiền trên. Tuy nhiên, ông Trường cho biết, khoảng thời gian trên ông không hề nhận được tin nhắn thông báo nào.

“Sau khi thông báo việc thẻ của tôi đang được khóa và chờ giải quyết trong 30-45 ngày, nhưng FE CREDIT vẫn ép tôi đóng tiền. Đồng thời ngày 11/3, đại diện FE CREDIT có thông báo giao dịch này cần mã OTP nên không gian lận được và không giải quyết cho tôi, và việc bị “trộm” tiền trong thẻ trùng khớp với ngày tôi bị Vinaphone bán “trộm” sim…”, ông Trường bức xúc!

Những cấu trúc tin nhắn chứng tỏ ông bị
Những cấu trúc tin nhắn chứng tỏ ông bị “trộm tiền” lúc bị Vinaphone bán sim.

Theo đó, FE CREDIT yêu cầu ông Trường cung cấp xác nhận của Vinaphone về việc tin nhắn OTP có gửi đến số điện thoại vào ngày 23/2/2021 hay không, rồi mới làm việc. Nên ông Trường có gửi đơn khiếu nại đến Vinaphone cùng các cơ quan chức năng để trình báo sự việc, đồng thời trong khi chờ đợi trả lời của Vinaphone về các thông tin giao dịch trên, thì qua ứng dụng MYVNPT của Vinaphone, ông bất ngờ khi phát hiện ngày 23/2/2021 có 3 tin nhắn giao dịch trùng vào lúc ông bị nhà mạng này bán trộm sim gồm: 15h40 gửi 1529; 15h41 gửi 1529 và 15h42 gửi 8083. Được biết, 8083 là đầu số gửi đến để kích hoạt thẻ FE CREDIT còn đầu số 1529 là cấu trúc tin nhắn giao dịch với trang web nganluong.vn.

Vinaphone có nghĩa vụ trả tiền vay cho FE CREDIT

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Gia đình cho biết: Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 49/2017/NĐ-CP, nhà mạng Vinaphone sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi bán Sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao của người khác, mức phạt tiền từ 30 – 40 triệu. Ngoài ra, hình phạt bổ sung đối với hành vi này là tịch thu sim và tài khoản có trong sim, buộc nộp lại số tiền tương đương đã được nạp vào tài khoản chính theo hướng dẫn tại khoản 12 Điều này. Người dùng có quyền khiếu nại yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có thiệt hại phát sinh) và yêu cầu tổng đài hoàn trả sim thuê bao đã bị bán của mình để tiếp tục sử dụng. Đồng thời, về trách nhiệm với phía FE CREDIT, nhà mạng phải cung cấp thông tin của khách hàng mà nhà mạng đã bán đồng thời xác minh việc ông Trường trong khoảng thời gian đó không phải là người sử dụng thuê bao đã vay tiền qua thẻ FE CREDIT. Nếu không thể xác định được chủ thuê bao đã vay tiền thì nhà mạng có nghĩa vụ phải trả tiền vay cho FE CREDIT do việc vay tiền phát sinh từ hành vi vi phạm của mình.

Luật sư Hùng cũng cho rằng, ông Trường không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ hơn 50 triệu đồng nếu ông chứng minh được ông không vay tiền qua thẻ FE CREDIT, mà việc vay tiền này phát sinh do hành vi vi phạm của nhà mạng và chủ thuê bao đã mua lại Sim kia. Vinaphone và chủ thuê bao này có trách nhiệm liên đới trả tiền vay và tiền lãi cho phía FE CREDIT đúng như những thỏa thuận quy định trong hợp đồng vay. Ngoài ra, luật sư cũng khuyến cáo, ông Trường phải chuẩn bị đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh tại thời điểm chủ thuê bao vay tiền và xác nhận hợp đồng vay qua hình thức thẻ FE CREDIT không phải là ông. Ông Trường có thể khiếu nại đến nhà mạng đã bán Sim cho người khác và yêu cầu nhà mạng phải có trách nhiệm hỗ trợ ông Trường làm việc với FE CREDIT. Ví dụ: ông Trường có thể yêu cầu phía FE CREDIT cung cấp hình ảnh người đã vay thông qua hình ảnh xác nhận hợp đồng vay, thông tin cá nhân, địa chỉ trên hợp đồng, ông cũng có thể nhờ cơ quan công an can thiệp giải quyết cho ông về những hành vi vi phạm của các đối tượng nêu trên.

Liên quan đến khiếu nại của bạn đọc về vấn đề trên, phóng viên Tạp chí Chất Lượng và Cuộc sống đã liên hệ FE CREDIT để trao đổi thông tin khách quan, đa chiều. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi.

Theo Minh Việt/Chất lượng&cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email