Tỷ lệ chi trả bồi thường của bảo hiểm Viễn Đông thấp hơn rất nhiều so với những đối thủ khác có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đầu năm nay, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) liên quan đến bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) gây chú ý khi là một trong những đơn vị tiên phong triển khai sản phẩm bảo hiểm Corona ra thị trường. Tuy nhiên, tới tháng 6, Bộ Tài chính đã tuýt còi sản phẩm này.
Dù Corona Care không “chết yểu” nhưng VASS xuất hiện khá dày đặc trên báo chí. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của VASS lại tỷ lệ nghịch với độ phủ sóng của thương hiệu này. VASS lỗ triền miên bất chấp tỷ lệ chi trả bồi thường của bảo hiểm thấp hơn rất nhiều so với một số đối thủ có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Doanh thu khiêm tốn
VASS khiêm tốn hơn các đối thủ cả về doanh thu lẫn số tiền bồi thường lẫn tỷ lệ chi trả bồi thường của bảo hiểm/doanh thu nếu so với các một số công ty bảo hiểm có cổ phiếu niêm yết.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm của VASS chỉ đạt 949 tỷ đồng, giảm 421 tỷ đồng, tương đương 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phí bảo hiểm gốc giảm sâu từ 1.348 tỷ đồng xuống chỉ còn 919 tỷ đồng.
Trong khi đó, phần lớn các đối thủ khác vẫn bất chấp Covid-19 để ghi nhận đà tăng trưởng dương về doanh thu.
Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm tại Bảo Việt tăng từ 16.863 tỷ đồng lên 17.966 tỷ đồng, tại Bảo Minh tăng từ 2.012 tỷ đồng lên 2.353 tỷ đồng. Chỉ tiêu này tại Ngân hàng BIDV (BIC) và Ngân hàng Quân đội (MIC) đều tăng trưởng dương, lần lượt và 1.207 tỷ đồng và 1.258 tỷ đồng.
Doanh thu phí tại Bảo hiểm Petrolimex (PGI) 6 tháng đầu năm nay tăng từ 1.408 tỷ đồng lên 1.637 tỷ đồng. Chỉ tiêu này tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI) bứt phá mạnh, từ 2.097 tỷ đồng lên 2.886 tỷ đồng.
Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) bảo Bảo hiểm Bảo Long (BLI) là hai đơn vị hiếm hoi có doanh thu phí bảo hiểm thấp hơn VASS. Dù vậy, chỉ tiêu này vẫn tăng trưởng dương, lần lượt lên 861 tỷ đồng và 630 tỷ đồng.
Bồi thường bét bảng
Không chỉ doanh thu đứng ở mức khiêm tốn, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm/doanh thu phí tại VASS thấp… vượt trội so với các công ty kể trên.
Cụ thể, chi phí bồi thường trong 6 tháng đầu năm 2020 tại VASS chỉ là 45 tỷ đồng, giảm nhẹ so với gần 49 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là tỷ lệ bồi thường bảo hiểm/doanh thu phí tại VASS trong kỳ rất thấp, chỉ là 4,8%. Trong khi tỷ lệ này tại các công ty kể trên cao vượt trội, dao động quanh mốc 30%.
6 tháng đầu năm 2020, Công ty Bảo Việt dành 6.272 tỷ đồng chi trả bồi thường và chi trả đáo hạn. Tỷ lệ chi trả bồi thường và chi trả đáo hạn/doanh thu phí lên tới 34,9%. Trong khi đó, Bảo Minh dành 725 tỷ đồng chi trả bồi thường, chiếm 30,8% tổng phí bảo hiểm.
Cùng kỳ, BIC ghi nhận chi phí bồi thường lên đến 541 tỷ đồng, tăng vọt so với 398 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2019. Đà tăng này giúp cho tỷ lệ bồi thường/phí bảo hiểm tại BIC vọt lên 44,8%, cao gần gấp 10 lần tại VASS.
Tương tự BIC, trong kỳ, MIC cũng ghi nhận đà tăng vọt về chi phí bồi thường, tăng từ 328 tỷ đồng lên 429 tỷ đồng. Kết quả là tỷ lệ bồi thường/phí bảo hiểm tại MIC lên đến 34,1%.
Trong khi đó, tỷ lệ này tại PGI, PTI và ABI lần lượt là 38,9%, 34% và 23,6%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tại VASS.
Lỗ ăn vào vốn
Có thể thấy, tỷ lệ chi phí bồi thường/phí bảo hiểm của VASS thấp hơn nhiều so với Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo Long,… thế nhưng trong khi các đối thủ liên tục báo lãi, VASS lại chìm sâu vào thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, trong 6 tháng đầu năm 2020, VASS đạt 42 tỷ đồng, giảm 10,4 tỷ đồng, tương đương 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù đạt 42 tỷ đồng tiền lãi nhưng tại thời điểm 30/6/2020, lỗ lũy kế của VASS vẫn là con số khổng lồ lên đến 352 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế quá lớn khiến vốn chủ sở hữu của VASS giảm từ 700 tỷ đồng xuống chỉ còn 350 tỷ đồng.
Theo Ngân Hà/Chất lượng&cuộc sống