Bộ Y tế đưa ra 3 kịch bản ứng phó dịch bệnh viêm phổi mới

Để ứng phó với dịch bệnh viêm phổi mới do virus corona gây ra, Bộ Y tế mới đây đã đưa ra 3 kịch bản ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Khu vực cách li tại BV Đà Nẵng nơi bệnh nhân Xiong điều trị. Ảnh: NLĐ

Cụ thể, tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam: Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch.

Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Khoanh vùng xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng: Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng thường xuyên cập nhật thông tin theo cấp độ, đặc biệt thông tin triệu chứng cụ thể của dịch bệnh và cách phòng chống bệnh cụ thể. Tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu và cộng đồng, giám sát các đối tượng đi về từ ổ dịch.

Tuyến trên có trách nhiệm phải tăng cường về tuyến dưới để giúp tuyến dưới khoanh vùng và điều trị cho bệnh nhân ngay tại chỗ, hạn chế chuyển người bệnh về tuyến trên phòng bệnh không lây lan rộng.

Cục Quản lý khám chữa bệnh chỉ đạo và kiểm tra kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona tới các cơ sở y tế.

Trước đó, hôm 14/1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật – Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã phát hiện hai du khách quốc tịch Trung Quốc có triệu chứng sốt nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay Đà Nẵng là Wang Hao Yu và Xiong Tianzuo.

Sau một giờ theo dõi tại phòng cách ly, bệnh nhân Wang đã hạ sốt, nhiệt độ đo được là 36,9 độ C nên được cho phép nhập cảnh, khuyến cáo theo dõi y tế tại nơi tạm trú dự kiến ở một khách sạn thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Còn bệnh nhân Xíong có nhiệt độ 37,8 độ C nên Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã báo cáo và đề xuất Sở Y tế khởi động quy trình giám sát xử lý ca bệnh như trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, chuyển cách li và giám sát tình trạng bệnh tại Khoa Y học nhiệt đới – Bệnh viện Đà Nẵng.

Được biết, sau 2 ngày theo dõi, điều trị và xét nghiệm bệnh phẩm, bệnh nhân cho kết quả âm tính với các dịch bệnh Cúm A, B, Mers- CoV và SARC.

Theo Lý Trường/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email