Categories Bất động sản

Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đã hạ nhiệt

Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng cuối năm 2022, dự báo thị trường bất động sản sẽ phát triển tốt, đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Kiềm chế giá nhà đất

Tốc độ tăng giá của thị trường bất động sản đã chậm lại, thông tin đáng chú ý này vừa được ông Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ tại họp báo thường kỳ của Bộ diễn ra mới đây. Điều này cũng làm gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở của người dân, tuy hiện mặt bằng giá vẫn ở mức cao. Thay đổi tích cực trên bắt nguồn từ việc hai nguồn vốn quan trọng của thị trường bất động sản là vốn vay và vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua được kiểm soát tốt để thị trường này phát triển lành mạnh hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong năm 2021, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi phát hiện tại một số địa phương có dấu hiệu bất bình thường về giá đất nền, đặc biệt tại một số nơi giá tăng đột biến. Cùng với đó, thời gian qua giá nhà chung cư cũng tăng trung bình từ 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ có nơi tăng tới 30%. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này như nguồn cung hạn chế, thông tin về thị trường chưa kịp thời và chính xác nên có hiện tượng lợi dụng để nâng giá, thổi giá.

bo xay dung thi truong bat dong san da ha nhiet
Thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu tích cực.

Trước hiện tượng trên, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát. Với sự vào cuộc của chính quyền, thị trường bất động sản đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ năm 2021 và cuối năm 2021 đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Cùng với đó, để cung cấp nhiều nhà ở hơn cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp tăng nguồn cung cho thị trường, tăng cường minh bạch thông tin, đặc biệt là thông tin các dự án quy hoạch, thông tin các nguồn hàng, tránh hiện tượng lợi dụng, câu kết để nâng giá.

Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng cuối năm 2022, dự báo thị trường bất động sản sẽ phát triển tốt, đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Băn khoăn thời hạn sở hữu nhà chung cư

Một trong những vấn đề cũng được nêu lên tại cuộc họp báo lần này là đề xuất của Bộ Xây dựng bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, năm 2014, Bộ Xây dựng trình Chính phủ sửa Luật Nhà ở, tại thời điểm đó đặt ra 2 tình huống là quy định sở hữu chung cư có thời hạn hay lâu dài. Đối với nhiều nước, đây là vấn đề đã được tiếp cận từ lâu, tuy nhiên ở Việt Nam thì còn rất mới. Do đó, Quốc hội cho rằng đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu để đánh giá tác động.

Trong thực hiện Luật Nhà ở, chúng ta có chính sách cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, trong 10 năm thực hiện, số lượng chung cư được cải tạo rất ít, một trong những nguyên nhân là câu chuyện về sở hữu.

Mới đây, trong hồ sơ xây dựng luật trình lên Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án. Cụ thể, phương án 1, thời hạn sử dụng nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Thời hạn này có thể là 50 năm hoặc nhiều hơn bởi được tính theo hồ sơ thiết kế, khi hết thời hạn thì quyền sở hữu chấm dứt. Phương án 2 là xác định theo thời hạn sử dụng đất để Chính phủ xem xét và báo cáo lên Quốc hội. Với phương án 1, theo thời hạn sử dụng công trình, Bộ Xây dựng cho rằng tùy thuộc vào cấp độ nhà chung cư. Trên cơ sở ấy, Bộ Xây dựng nghiên cứu thống nhất với Luật Dân sự, thậm chí cả với Hiến pháp, ông Khởi cho biết thêm.

Đây cũng mới chỉ là trình chủ trương, chưa phải là chính sách cụ thể, tức là đề xuất chính sách để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng, sau khi Quốc hội đồng ý đưa vào Luật Nhà ở 2023 sẽ tiếp tục được nghiên cứu lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân, các đối tượng điều chỉnh.

Đối với hướng xử lý, Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp của hai phương án. Ví dụ như trong trường hợp quyền sử dụng đất vẫn có hiệu lực thì người dân sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất, và sẽ phải góp tiền xây dựng mới nhà ở. Quan trọng nhất là đảm bảo quyền hợp pháp của người dân, tức là người dân sẽ tiếp tục được tái định cư tại chỗ. Khi được Quốc hội thông qua, Bộ Xây dựng sẽ lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh xáo trộn tối đa cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, đây là vấn đề lớn liên quan đến sở hữu của người dân, rất cần phải nghiên cứu cẩn trọng và nghiêm túc…

Theo Hải Yến/Thời báo Ngân hàng