Categories Bất động sản

Bộ Xây dựng: Không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm như thời hạn sở hữu chung cư, điều kiện cho phép mua nhà với người nước ngoài…

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần làm rõ thêm các nội dung về các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ
Bộ Xây dựng: Không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Ảnh minh họa

Làm rõ về thời hạn sử dụng nhà chung cư

Về các chính sách sở hữu nhà ở, trước một số ý kiến đề nghị phải có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong Tờ trình trình Chính phủ, Cơ quan soạn thảo đã đề xuất 2 Phương án gồm: Quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn và không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Trong đó, đã có báo cáo cụ thể các cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích các ưu điểm, hạn chế của từng phương án.

Trên cơ sở đó, tại Tờ trình số 68/TTr-CP trình Quốc hội, Chính phủ đã quyết định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tại Thông báo kết luận số 2101, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề nghị Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.

Tuy nhiên, dự thảo Luật đã có bổ sung, làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

Xem xét quy định số lượng nhà ở người nước ngoài được sở hữu

Trước một số ý kiến đề nghị xem xét quy định về điều kiện, số lượng, loại nhà ở người nước ngoài được sở hữu, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng… Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được quy định từ năm 2008 theo Nghị quyết số 19 của Quốc hội và được bổ sung, luật hóa tại Luật Nhà ở 2014 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Nhà ở 2014, trong đó có quy định điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Thống kê cho thấy, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu.

Do đó, theo ông Nguyễn Thanh Nghị, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước như chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Dự án Luật Nhà ở không chồng chéo với các luật khác

Giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng khẳng định phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở (sửa đổi) không chồng lấn với Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh bất động sản.

Mặc dù phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng đề cập tới loại công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp, có phần diện tích nhà ở.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng công trình có mục đích hỗn hợp mà có phần diện tích nhà ở.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) điều chỉnh các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có cả nhà ở, công trình khác.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các chính sách phát triển nhà ở nói chung, gồm phát triển các loại nhà ở như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, đối với nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng thì đã dẫn chiếu sang pháp luật về xây dựng, do đó trên thực tế, việc áp dụng Luật Nhà ở và Luật Xây dựng là không có sự chồng lấn.

Theo Hải Yến/Thời báo Ngân hàng
Print Friendly, PDF & Email