Bộ Văn hóa yêu cầu chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn yêu cầu chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, đưa tin xúc phạm cá nhân, trái thuần phong mỹ tục.

Ngày 4/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn gửi các địa phương về thực trạng hoạt động mạng xã hội của giới nghệ sĩ.

Văn bản do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký nêu rõ bên cạnh những nghệ sĩ để lại ấn tượng tốt trong lòng công chúng, gần đây, một số nghệ sĩ đã làm xấu hình ảnh của mình, gây bức xúc trong nhân dân.

nghe si quang cao sai su that anh 1
NSND Hồng Vân đã viết trên trang cá nhân thư xin lỗi khán giả và thừa nhận đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ tin cậy của sản phẩm khi quảng cáo. Ảnh: NLĐ

Cụ thể, một số nghệ sĩ, diễn viên, người biểu diễn đã tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng xúc phạm cá nhân.

Một số tổ chức, cá nhân đã lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, nhân phẩm, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu hình ảnh của nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân.

Để chấn chỉnh những hiện tượng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về biểu diễn, quảng cáo và an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Sở Văn hóa các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về biểu diễn, quảng cáo…

Bộ Văn hóa cũng yêu cầu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam quán triệt các hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, lan tỏa những việc tốt, hình ảnh đẹp, ứng xử văn hóa đến cộng đồng.

Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được ban hành trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng bị phản ánh quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, tiền mã hóa… không rõ chất lượng, thậm chí thổi phồng, sai sự thật.

Tình trạng này không chỉ xuất hiện trong giới nghệ sĩ mà còn có cả những người nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao như vụ việc quảng cáo app cá độ bóng đá của cầu thủ Lê Công Vinh.

Trước đó, trong cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý thực trạng văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp. Theo ông Chính, phải phân tích kỹ lưỡng, đánh giá chính xác vấn đề này để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Theo quy định tại Luật Quảng cáo 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Các bộ, ngành còn lại có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Trên thực tế, vai trò quản lý quảng cáo có tính liên ngành. Ví dụ, các sở văn hóa địa phương được giao quản lý hoạt động quảng cáo (không bao gồm quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng...). Việc quản lý quảng cáo trên môi trường mạng lại thuộc các sở thông tin và truyền thông (theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP).

Với một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng xã hội như hiện nay, đại diện Cục Văn hóa cơ sở cho biết Bộ Văn hóa sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nông nghiệp và Công thương trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo, đồng thời nắm bắt những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về quảng cáo gây khó khăn cho công tác quản lý.

Theo Ngọc Tân/Zingnews.vn

Print Friendly, PDF & Email