Bộ trưởng Công Thương: Lợi ích từ EVFTA sẽ được chia sẻ công bằng cho người lao động

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, việc ký kết các Hiệp định thương mại như EVFTA, EVIPA không chỉ dừng lại về kinh tế. Đối với các hiệp định thương mại thế hệ mới, vấn đề nhân quyền được đẩy mạnh, các điều kiện, lợi ích của người lao động sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Xin Bộ trưởng cho biết sự kiện Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA có ý nghĩa với Việt Nam như thế nào? 

Hiện nay, trong bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế có chiều hướng gia tăng, cộng hưởng với sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, đe dọa sự phát triển ổn định của kinh tế thế giới và các khu vực, việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA thật sự đã mang lại nhiều ý nghĩa trên nhiều phương diện, đặc biệt là ở 3 phương diện chính yếu như sau:

Thứ nhất, trên phương diện chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại. Ở góc độ song phương, việc Nghị viện châu Âu thông qua 2 Hiệp định giống như đặt “một viên gạch lớn” cho bước chuyển quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU.

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và bản thân nội bộ EU gặp nhiều khó khăn như sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và bảo hộ mậu dịch, Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA là phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có EU, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, đối với phương diện phát triển kinh tế. Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD.

Do vậy, khi các Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức có hiệu lực, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới, giải quyết công việc làm cho người lao động.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn. Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau.

Thứ ba, về phương diện cải cách pháp luật. Với việc thực thi các cam kết trong EVFTA, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những thay đổi, cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Đơn cử như việc chấp nhận các nguyên tắc quốc tế trong đấu thầu, tuy không dễ, nhưng nếu làm tốt, sẽ có thể giúp chúng ta cải thiện đáng kể hiệu quả của mua sắm công. Các cam kết sâu rộng về dịch vụ và đầu tư cũng sẽ góp phần thúc đẩy cải cách theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong tương lai để hướng đến chuỗi cung ứng mới hình thành khi Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi.

Như ông vừa nhắc tới phương diện cải cách pháp luật. Được biết, để thực thi các FTA thế hệ mới, Việt Nam cần phê chuẩn 3 công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động. Vậy, Việt Nam đã chuẩn bị những gì cho việc này?

Hiệp định EVFTA chỉ nhắc lại các nghĩa vụ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà cả các nước EU cũng như Việt Nam đều là thành viên. Hiệp định này không đưa ra các nghĩa vụ mới về nội dung lao động.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc đàm phán thì chúng ta đã có những bước chuẩn bị chủ động để các lợi ích của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA sẽ được chia sẻ một cách công bằng nhất cho người lao động, những người tạo ra của cải vật chất trực tiếp nhất cho xã hội.

Cũng nhằm mục đích cải thiện điều kiện của người lao động, tháng 11 năm 2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật lao động sửa đổi và sẽ đưa vào thực thi kể từ đầu năm 2021. Các nội dung quan trọng nhất của cả 8 Công ước cơ bản ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của Bộ luật này. Đây cũng chính là tiền đề thuận lợi để Việt Nam hướng tới tới việc phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO.

Với việc Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể vào tháng 6 năm 2019, chúng ta đã hoàn thành việc phê chuẩn 6 trên 8 Công ước cơ bản của ILO. Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình công tác để sớm phê chuẩn Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Như vậy, Việt Nam được coi là một trong những nước đã tích cực, chủ động thực hiện các quy định của ILO nhất trong khu vực.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin về việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và EVIPA tối 12/2

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng có thể gửi thông điệp gì đến doanh nghiệp để giúp họ thực hiện hiệu quả và đón nhận lợi ích từ EVFTA và EVIPA?

Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong quá trình đàm phán, Đoàn đàm phán đã tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tham vấn ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp với mong muốn kết quả đàm phán phải đáp ứng được tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp. Trong quá trình này, một số hiệp hội như dệt may, da giày, thủy sản và nhiều doanh nghiệp khác đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt.

Tuy nhiên, có sự khác biệt về sự chuẩn bị giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn dường như có sự chuẩn bị tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp xuất khẩu dường như tích cực hơn so với các doanh nghiệp phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi Hiệp định được ký kết.

Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.

Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v.

Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.

Theo Thanh Phong/Dân Việt