Bộ Tài chính vừa có văn bản đôn đốc, kiến nghị các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư triển khai biện pháp thu hồi vốn tạm ứng, đặc biệt là các khoản vốn tạm ứng quá hạn do đơn vị mình quản lý.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến hết ngày 31/01/2022, số dư tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương là 27.080,2 tỷ đồng, trong số đó, vốn tạm ứng quá hạn chưa thu hồi là 2.003,4 tỷ đồng, trong đó có một số khoản vốn tạm ứng đã quá hạn thời gian dài do dự án bị đình hoãn, dừng thực hiện.
Theo quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư công, tạm ứng vốn là việc cơ quan kiểm soát, thanh toán chuyển tiền trước cho cá nhân, đơn vị thụ hưởng theo đề nghị của chủ đầu tư nhằm thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết để triển khai các công việc của nhiệm vụ, dự án đầu tư công.
Việc thu hồi vốn tạm ứng thông qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành do chủ đầu tư thống nhất với với nhà thầu tại hợp đồng được ký kết. Chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi đủ số vốn tạm ứng.
Căn cứ tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, trên cơ sở theo dõi số dư tạm ứng tại Kho bạc Nhà nước, thực hiện khoản 6 Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, để đảm bảo việc quản lý vốn tạm ứng đúng chế độ theo quy định, Bộ Tài chính đôn đốc, kiến nghị các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai các biện pháp thu hồi vốn tạm ứng, đặc biệt là các khoản vốn tạm ứng quá hạn do đơn vị mình quản lý.
Đến cuối tháng 1, hàng ngàn tỷ đồng được ngân sách nhà nước tạm ứng cho các công trình, dự án nhưng chưa thu hồi. Hàng loạt dự án dây dưa kéo dài, khiến việc thu hồi vốn ứng trước gặp rất nhiều khó khăn.
“Đối với số vốn tạm ứng quá hạn, các dự án đang thực hiện có khối lượng hoàn thành thì phải khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn tất thủ tục thanh toán, làm việc với Kho bạc Nhà nước để thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn”, Bộ Tài chính đề nghị.
Trường hợp các dự án hoàn thành, dự án giãn, hoãn tiến độ, dừng thực hiện, dự án có chủ đầu tư giải thể, nhà thầu phá sản, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương đề nghị các chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng dự án thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn tạm ứng.
Trên cơ sở đó, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn và tạm ứng và thực hiện tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Đối với số vốn tạm ứng chưa đến hạn phải thu hồi, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích, nhanh chóng có khối lượng hoàn thành để thực hiện thu hồi theo đúng thời hạn.
Theo Văn Trì/Chất lượng&Cuộc sống