Categories Doanh nghiệp

Bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp lợi

Những sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh, đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương tại Thông tư 13 là các quy định mới, phù hợp điều kiện thực tế.

Tháng 6/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 13/2020/TT-BCT (Thông tư 13) sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, Bộ Công thương bãi bỏ hàng loạt điều kiện đầu tư kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Trong đó có những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội.

Ảnh minh họa

Theo luật sư Nguyễn Nhật Tuấn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, Thông tư 13 có hiệu lực thi hành từ ngày 3/8/2020 bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh đầu tư gắn liền với đời sống xã hội. Cụ thể và thiết thực nhất là nội dung quy định tại Điều 1 của Thông tư bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương trước đó, quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Thông tư 13 đã bãi bỏ Điều 4, Điều 5 của Thông tư 43, tức là bãi bỏ các quy định về hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định về cơ sở hộ sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm. Quy trình này trước đây buộc người kinh doanh “đi” qua rất nhiều thủ tục. Đó là thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp…; Các loại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thậm chí Thông tư 43 còn quy định phải có Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm/Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở.

Tương tự, Thông tư 13 cũng bãi bỏ Điều 5/Thông tư 43, tức là bỏ các nội dung về thời gian tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thẩm định thực tế tại cơ sở và cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm, với hàng chục quy trình, thủ tục rườm rà, mới đến được kết quả thẩm định đạt, không đạt hoặc chờ hoàn thiện… Việc bãi bỏ hai điều này đã đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, giúp các hộ, cơ sở kinh doanh thực phẩm lược giản hồ sơ đăng ký và không mất thời gian đi lại, với hàng loạt văn bản quy định, vượt quá tầm của một hộ kinh doanh cá thể. Tại Điều 2 Thông tư 13 cũng bãi bỏ một số nội dung về việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Theo đó bãi bỏ nội dung sau, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương là cơ quan đầu mối tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ định các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm của ngành công thương thực hiện việc xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Nam – Trưởng Phòng Pháp Chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định, những sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh, đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương tại Thông tư 13 là các quy định mới, phù hợp điều kiện thực tế. Trong đó, việc bãi bỏ Điều 4, 5 Thông tư 43 trước đó là sát sườn với điều kiện kinh doanh của hàng chục nghìn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống tại Việt Nam. Đây là hình thức kinh doanh nhỏ, lẻ, phần lớn mang tính thời vụ. Nếu theo quy định cũ, mỗi hộ kinh doanh thực phẩm phải qua hơn 10 khâu xin giấy phép, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của ít nhất ba cấp cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Thủ tục rắc rối, đi lại nhiều sẽ khiến người kinh doanh nản lòng hay tìm “đường tắt”, dẫn đến tiêu cực phát sinh…

Theo Thanh Trà/Thời báo Ngân hàng