Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Chính phủ gia hạn tiến độ dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 và các trạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sang năm 2020, thay vì “chốt hạn” 31/12/2019 như Thủ tướng yêu cầu trước đó.
Kiến nghị nói trên được Bộ GTVT nêu trong báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai dự án thu phí tự động không dừng (ETC).
Bộ GTVT cho biết, việc triển khai các dự án do VEC quản lý có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, dẫn đến 4/5 tuyến cao tốc thực hiện rất chậm, khó có thể hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên nhân do nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị ETC tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết. Việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống ETC.
Cũng theo Bộ GTVT, vướng mắc lớn nhất hiện nay là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm. Việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án ETC.
Hiện nay, số lượng phương tiện dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao với khoảng 800.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC. Nguyên nhân việc dán thẻ miễn chưa đạt được như mục tiêu, việc bắt buộc các phương tiện chưa đán thể không được đi qua làn thu phí tự động không dừng mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện.
Trong báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết sẽ tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm thu phí. Trong đó, yêu cầu Công ty VETC đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt, vận hành thiết bị, bàn giao công tác quản lý thu phí và trích chi phi quan lý thu phí tự động theo phương án tài chính của dự án.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ gia hạn thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí thuộc giai đoạn 2 và các dự án cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020.
Cùng đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí do VEC quản lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Bộ này cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng có giải pháp để hỗ trợ, tái cơ cấu khoản vay và giữ nguyên nhóm nợ theo phương án tài chính do bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm giá, chưa tăng giá theo lộ trình hợp đồng ký kết và các điều kiện khách quan, dẫn đến việc sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT, tạo điều kiện thúc đẩy việc ký kết hợp đồng dịch vụ và triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ chốt hạn 30/12/2019 nhà đầu tư BOT phải chuyển sang thu phí tự đồng không dừng và sẽ buộc trạm thu phí dừng hoạt động nếu chưa hoàn thành xây dựng, vận hành hệ thống này.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, hoàn thiện trình Chính phủ cũng bổ sung xử phạt đối với hành vi lái xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng.
Quy định hành vi “điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí” bị phạt tiền từ 800.000 – 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 1-3 tháng, nếu gây tai nạn giao thông tước bằng lái xe từ 2 – 4 tháng.
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí