Thị trường bất động sản TP.HCM đang trì trệ khi nguồn cung giảm khiến giá tăng, nhiều dự án bị “nghẽn” vì vướng thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó là tình trạng các dự án ma gây xáo trộn xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tình hình chỉ mang tính nhất thời…
Khó khăn chồng chất khó khăn
Ở phân khúc căn hộ, theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đối với các dự án nhà ở thương mại, trong năm 2019, Sở Xây dựng trình UBND thành phố chấp thuận đầu tư 12 dự án, giảm 59 dự án so với năm 2018, kiến nghị UBND thành phố công nhận chủ đầu tư 2 dự án nhà ở thương mại, giảm 21% dự án so với năm 2018.
Nếu năm 2018 có 74 dự án huy động vốn với quy mô hơn 27.300 căn hộ thì năm 2019 chỉ còn 42 dự án với quy mô hơn 23.000 căn (giảm 43,2% dự án và giảm 15,6% quy mô căn hộ). Cũng trong năm 2019, toàn thành phố cấp gần 49.200 giấy phép xây dựng, giảm hơn 2.000 giấy phép so với năm 2018.
Từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, tại TP.HCM có 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý đã ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường. Cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. Tháng 3/2019, lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường. Nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.
Còn ở phân khúc đất nền, theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Công ty DKRA Việt Nam, trong năm 2019, TP.HCM có 14 dự án đất nền mới cung cấp hơn 1.700 nền, chỉ bằng 46% so với nguồn cung của năm 2018. Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp nguồn cung giảm và là mức thấp nhấp từ kể năm 2016. Các dự án mới tập trung chủ yếu ở vùng ven như Q.9, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè.
Điều đáng nói, đi kèm cùng sự khan hiếm nguồn cung, vấn nạn xây dựng không phép xảy ra không chỉ ở những hộ gia đình đơn lẻ, các dự án phân lô đất nền trái phép mà còn diễn ra ngay tại những dự án lớn được phê duyệt. Trong năm 2019, nhiều dự án lớn đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vì hành vi xây dựng không phép, chưa hoàn tất pháp lý về đất đai, nghĩa vụ thuế nhưng vẫn tiến hành xây dựng hoặc chuyển nhượng sai quy định.
Bên cạnh đó là nạn bán dự án trên giấy, lừa đảo và huy động vốn khi chưa đủ điều kiện tại các dự án chung cư hình thành trong tương lai xuất hiện nhan nhản khiến cho người dân càng mất niềm tin vào thị trường địa ốc.
Việc cả 2 phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản bị ách tắc dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng thị trường địa ốc chung của toàn TP.HCM. Khiến cho nhiều công ty dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.
Chờ đợi sự khởi sắc
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), những khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản thành phố chỉ có tính nhất thời do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và việc thực thi pháp luật.
“Từ quý 3/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây” – ông Lê Hoàng Châu dự báo.
Thực tế cho thấy thời gian qua, UBND TP.HCM đã tích cực xem xét, rà soát, giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, đặc biệt là quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, định kỳ hằng quý, lãnh đạo thành phố đều gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và định hướng thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Về phía các sở ngành, như Sở Xây dựng, Giám đốc Lê Hòa Bình cho biết, năm 2020, thành phố phấn đấu phát triển thêm 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố lên 190,19 triệu m2, với diện tích nhà ở bình quân là 20,6m2/người. Thành phố sẽ khởi công và thi công xây dựng 10 chung cư, 100% công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định.
Còn ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, sở sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đối với 19 khu đất (quy mô 33,68ha), tiếp nhận 16 khu đất (12,79ha), làm thủ tục đo đạc 12 khu đất (8,11ha). Đồng thời, sở thu hồi các khu đất thanh toán hợp đồng BT các dự án trên địa bàn thành phố, xử lý 13 khu đất do 11 công ty đang sử dụng và trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương đấu giá 37 khu đất công hoán đổi tại Q.9.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng rất quyết liệt trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn. Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết: “Tuyệt đối không để việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến tiến độ và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm việc cầm chừng, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp”.
Tất cả những lời nói và hành động đến từ chính quyền TP.HCM “thắp lên” hy vọng về việc xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, tạo không khí kinh doanh bất động sản sôi động trở lại.
Theo Nguyên Vũ/Người tiêu dùng