Chia sẻ về tác động của các ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam trong những ngày qua tới phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, ông Mauro Gasparotti cho hay, tin tức về các ca nhiễm Covid mới tại Đà Nẵng trong những ngày qua đã và đang gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống khi các biện pháp phòng chống dịch và giãn cách xã hội một lần nữa được áp dụng.
Trước tiên, thị trường khách sạn và resort tại Đà Nẵng sẽ chịu tác động sớm nhất từ việc du khách hủy đặt phòng cho tháng 8 và 9. Một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng cho phép chuyển các đặt phòng đã thực hiện sang cuối năm với hy vọng duy trì nguồn khách. Các đặt phòng mới chỉ có thể được ghi nhận khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Vì vậy các khách sạn và resort có thể sẽ bỏ lỡ thời điểm du lịch hè vốn là cao điểm du lịch nội địa như những năm trước đây.
Nhận xét về làn sóng Covid-19 thứ hai ảnh hưởng đối với hoạt động của ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti, cho rằng: “Sự bùng phát của dịch COVID tại Đà Nẵng sẽ gây hưởng đến các địa điểm du lịch khác của Việt Nam, cả phân khúc khách nghỉ dưỡng lẫn phân khúc khách công vụ vì yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu đối với các du khách. Khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẵn sàng hủy hoặc tạm hoãn các kế hoạch du lịch. Mọi người sẽ có xu hướng tránh các khu vực đông người như sân bay hay nhà hàng, quán bar cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn”.
Bên cạnh đó, ông Mauro Gasparotti cũng cho biết: Chúng tôi cũng dự đoán rằng hoạt động của ngành hàng không nội địa sẽ chững lại trong vài tuần tới đồng thời lượt khách du lịch nội địa cũng sẽ bị sụt giảm đáng kể. Nguồn doanh thu từ việc tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ bị ảnh hưởng khi các sự kiện lớn cũng có thể bị hủy hoặc dời lại trong thời gian tới.
Nhận định về các kịch bản sắp tới cho ngành du lịch, ông Mauro Gasparott cho rằng: “Tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn trong một vài ngày tới. Tôi hi vọng sẽ có ít ca nhiễm mới đồng thời các nguồn lây lan sẽ sớm được khoanh vùng. Khi đó du khách nội địa sẽ cảm thấy đủ an toàn để có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh và du lịch trở lại”.
Tuy nhiên, sẽ phải mất ít nhất một vài tuần để tình hình dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn. Savills Hotels vẫn có cái nhìn tích cực và tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong trung và dài hạn.
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, báo cáo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Savills Việt Nam cho thấy hoạt động của ngành này kém nhất từ trước đến nay do chính sách phong tỏa. Công suất phòng lao dốc 32% theo năm còn giá phòng trung bình giảm 21% theo quý. Phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế.
Song nhờ vào sự gia tăng của lượt du khách nội địa do kiểm soát tốt Covid-19, thị trường du lịch Việt Nam đang trên đà hồi phục kể từ sau khi bị sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2020.
Trong tháng 7, các địa điểm ven biển đã ghi nhận mức công suất khá cao vào các dịp cuối tuần. Các khách sạn và resort thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang cũng đã áp dụng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút nhóm du khách nội địa. Các khách sạn trong thành phố cũng bắt đầu nhận tổ chức các hội nghị, sự kiện. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ hai đang một lần nữa gây khó cho ngành kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng và làm chậm lại quá trình phục hồi của thị trường này với nhiều thách thức hơn.
Mặc dù còn đối diện với nhiều khó khăn, song đại diện Savills Việt Nam cũng nhận định, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam trong những năm qua và thời gian tới sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển. Phân khúc này đang thu hút các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước bởi cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư nói chung đang được cải thiện tốt. Các NĐT họ thấy được sự nỗ lực trong việc cải thiện này và nhìn thấy được tiềm năng cũng như cơ hội để tiếp cận thị trường trong dài hạn.