Bất động sản hút vốn FDI, thị trường có nhiều khởi sắc

Vốn FDI đầu tư vào thị trường bất động sản tăng gần 2 lần trong 09 tháng qua với 3,5 tỷ USD. Giữa bối cảnh dòng vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ trái phiếu, các chuyên gia nhận định, FDI sẽ “cứu cánh” thị trường bất động sản.

FDI dự báo gia tăng mạnh

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) mới đây đã chia sẻ nhiều dự đoán thú vị về thị trường bất động sản tại hội thảo “Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe”. Theo ông, trong 09 tháng đầu năm, đơn vị đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội phát triển.

Tính từ đầu năm, vốn FDI đầu tư vào thị trường bất động sản đứng thứ 2 với hơn 3,5 tỷ USD
Tính từ đầu năm, vốn FDI đầu tư vào thị trường bất động sản đứng thứ 2 với hơn 3,5 tỷ USD. Ảnh minh họa

Tính từ đầu năm, vốn FDI đầu tư vào thị trường bất động sản đứng thứ hai với hơn 3,5 tỷ USD và chiếm 18,5% tổng số vốn đăng ký. Trong đó có 43 quốc gia đầu tư lĩnh vực bất động sản gồm bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe.

“Thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều lợi thế. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực”, ông Tuấn cho biết.

Đại diện từ Bộ KH&ĐT chia sẻ thêm, năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản và điều này đã đạt kỷ lục. Nhưng sau 02 năm vướng đại dịch, thị trường có nhiều biến động, tốc độ mua bán giảm đáng kể với tổng giá trị chưa tới 2,6 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, năm 2018, giá trị đầu tư vào bất động sản Việt Nam đã gần chạm 7 tỷ USD.

Thế nhưng, trong 9 tháng đầu năm, sự tốc độ đầu tư vào thị trường bất động sản đã khởi sắc đáng kể, dự báo có thể phục hồi và vượt mức kỷ lục vào năm 2018. Lấy dẫn chứng cụ thể cho điều này, ông Tuấn cho biết, thông qua quy mô bình quân của dự án trong lĩnh vực bất động sản 9 tháng qua đã cao hơn so với năm 2018. Quy mô đầu tư trong 9 tháng qua đã đạt 64 triệu USD/dự án, hơn 10 triệu USD/ dự án so với năm 2018.

“Đây là một điểm tích cực đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn này, Việt Nam phải giải quyết nhiều khó khăn: Tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền bảo vệ các dự án đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; và tiếp tục đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết. Thay vì bắt kịp các quốc gia khác, chúng ta phải định hướng đi đầu. Để như vậy, ta cần tạo sự độc đáo và mang các đặc thù của Việt Nam”, ông Tuấn nhận định.

FDI “cứu cánh” thị trường bất động sản

Hiện dòng vốn đổ vào bất động sản là tín dụng ngân hàng và trái phiếu đang phải chịu nhiều chính sách kiểm soát nên nhiều chuyên gia cho rằng, dòng vốn FDI sẽ là điểm sáng cho thị trường bất động sản.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, việc huy động vốn cổ phiếu sẽ khó bởi thị trường chứng khoán suy giảm. Còn các ngân hàng thương mại lại không tham gia huy động vốn trái phiếu. Năm 2020, quy mô trái phiếu doanh nghiệp tăng gấp 4 lần năm 2016. Năm tiếp theo, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2020 (phát hành riêng lẻ chiếm 94,3%).

Đến năm nay, nhà nước đã có những quyết sách mạnh tay, dứt khoát nhằm chấn chỉnh lại thực trạng phát hành trái phiếu lách luật nên số lượng phát hành trong thời gian tới sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và bất động sản. Trước bối cảnh này mà ông Hiển nhận định, chỉ có dòng vốn từ FDI mới có thể cứu cánh cho thị trường bất động sản.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cũng có những quan điểm đồng thuận về vấn đề này. Ông nhấn mạnh, việc siết chặt tín dụng bất động sản sẽ hạn chế vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng. Nhưng đây lại là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

“Đây sẽ là cơ hội cho việc phát triển nguồn lực cho dòng vốn FDI ở Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản. Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, một siêu độ thị với hơn 10 triệu dân như TP. HCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng”, ông Khương cho biết.

Theo Hồng Nhung/Thương hiệu&Công luận 

Print Friendly, PDF & Email