Categories Bất động sản

Bất động sản công nghiệp – phân khúc được nhiều tập đoàn kinh tế quan tâm, vì sao?

Làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra và nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang quan tâm đến việc xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khu đô thị mới. Đây là 2 nhân tố quan trọng làm cho bất động sản công nghiệp trở thành phân khúc được đánh giá là có tiềm năng lớn.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, cùng các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực đã thúc đẩy nhiều công ty toàn cầu di dời nhà máy và dòng vốn đầu tư mới sang thị trường khác ngoài Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, nổi lên là điểm đến hấp dẫn với các công ty toàn cầu.

Những năm gần đây, bất động sản công nghiệp trở thành “miếng bánh thơm” thu hút vốn FDI và tập đoàn kinh tế lớn trong nước.

Năm 2018 -1019, làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp bùng nổ và phát triển mạnh. Năm 2020 xu thế này thậm chí diễn ra mạnh mẽ hơn trước khi các quốc gia nhận diện rõ nguy cơ chuỗi cung ứng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và khi dịch COVID-19 bùng phát.

Lượng cung bất động sản công nghiệp chưa đủ đáp ứng và thỏa mãn lượng cầu của ngành. Đây chính là một trong những câu trả lời cho việc các doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp (KCN) duy trì được mức độ tăng trưởng và chỉ số kinh doanh ấn tượng trong thời gian qua.

Theo các chuyên gia, có 2 nhân tố quan trọng làm cho bất động sản công nghiệp trở thành phân khúc được đánh giá là có tiềm năng lớn đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng gia tăng do lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên. Làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc và một số nước sang Việt Nam đang diễn ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước, nhất là nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang quan tâm đến việc xây dựng các KCN gắn liền với khu đô thị mới.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối năm 2019, cả nước có 335 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 96.500 ha, trong đó 256 KCN đã đi vào hoạt động và 79 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỉ lệ lấp đầy các KCN đạt 53%. Các KCN đi vào hoạt động đạt gần 75%. Có 16 khu kinh tế ven biển với diện tích mặt đất và mặt nước là 730.553 ha. Trong 16 khu kinh tế này, đã có 14 KCN, khu phi thuế quan đi qua hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên 4.000ha và 20 KCN, khu phi thuế quan đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, với tổng diện tích đất tự nhiên 3.600ha.

Trước đây chỉ các địa phương như Hà Nội, TP.HCM , Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh có nhiều KCN, hiện nay còn có thêm các địa phương khác như Bắc Giang, Long An có nhu cầu xây dựng thêm KCN.

Do tính hấp dẫn của bất động sản công nghiệp nên thời gian qua một số tập đoàn kinh tế đã tham gia mạnh vào phân khúc này. Đơn cử như Vingroup thông qua công ty con là Vinhomes đã có dự án bất động sản công nghiệp đầu tiên. Tháng 3/2020, CTCP Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes- Vinhomes -iz (công ty con của Vinhomes) tăng vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng đã có dự án KCN Thủy Nguyên (Hải Phòng) với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng và tổ sản xuất công nghiệp phía nam sông Lục Lâm (Quảng Ninh) với vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng.

Hay như CTCP Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý KCN Sáng tạo Việt Nam (VNIP) đầu tư tại KCN Việt Phát (Long An) dự án KCN và khu đô thị trên diện tích 1.825ha, trong đó KCN 1.200 ha và khu đô thị 625ha.

Còn Becamex Bình Dương đầu tư dự án KCN Becamex Bình Định trên diện tích 1.000ha, vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng. Ngoài ra, KCN này còn có 400ha xây dựng khu đô thị và các công trình dịch vụ.

Một trường hợp khác là Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai chuyển đổi mục đích sử dụng 1.800ha cây cao su tại huyện Thống Nhất, Long Khánh, Long Thành, Cẩm Mỹ sang KCN, cụm KCN 500ha sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và khu đô thị.

Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp tạo ra nhu cầu đầu tư quy mô lớn cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước theo định hướng mới với nhiều loại hình khác nhau, trong khi cần đất sạch với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho các tập đoàn kinh tế lớn, thì cũng cần xây dựng nhà xưởng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê theo 2 hướng: Nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Cũng theo các chuyên gia, mặc dù từ đầu năm đến nay đại dịch COVID-19 hoành hành, gây không ít khó khăn cho nền kinh tế và bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Dù dòng vốn FDI nửa đầu năm đi ngang, song giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp bình quân vẫn tăng khoảng 10% so với cuối năm 2019. Đặc biệt, đầu năm nay Chính phủ đã có chủ trương tăng đầu tư công, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút hơn nữa nhà đầu tư ngoại. Từ đó, có thể thấy rằng nhu cầu thuê và giá thuê sẽ tiếp tục tăng cao, các chuyên gia thông tin thêm.

Theo T.L/Chất lượng&cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email