Bắt đầu cấp visa cho lao động Việt sang làm việc tại Nhật Bản

Ngày 6/8, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ xin cấp mới visa cho công dân Việt Nam kể từ ngày 29/7, vào Nhật Bản với mục đích lao động, lưu trú dài hạn…

Nhật Bản bắt đầu mở cửa cho lao động có kỹ năng của Việt Nam

Trong bối cảnh dịch, bệnh COVID-19, Chính phủ Nhật Bản thực hiện các biện pháp từng bước nhằm kích cầu nền kinh tế, hướng tới tái mở cửa đi lại quốc tế. Vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ xin cấp mới visa cho công dân Việt Nam kể từ ngày 29/7. Cụ thể như sau:

Người mang quốc tịch Việt Nam sinh sống trong nước, sử dụng chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được cấp visa vào Nhật Bản với mục đích lao động, lưu trú dài hạn theo các tư cách: kinh doanh, quản lý; thuyên chuyển công tác nội bộ; kỹ sư, trí thức, nghiệp vụ quốc tế; điều dưỡng; lao động có trình độ cao; hoạt động đặc định (khởi nghiệp, hộ lý, điều dưỡng EPA, ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng EPA).

Đối với công dân Việt Nam xin cấp visa với tư cách lưu trú thực tập kỹ năng, thực tập kỹ năng đặc định, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết chỉ cấp giới hạn nên sẽ tiếp nhận hồ sơ theo hướng ưu tiên ngành nghề và tăng dần số lượng để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh Nhật Bản, người lao động cần phải tự cách ly 14 ngày tại nhà theo quy định của nước này nhằm phòng chống dịch COVID-19.

Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin cho các doanh nghiệp biết để hướng dẫn cho người lao động khi nhập cảnh thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định cách ly của Nhật Bản. Để biết thông tin chi tiết về thủ tục xin cấp visa cho người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp có thể tra cứu tại trang website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng hướng dẫn doanh nghiệp nắm rõ thông tin về các đối tác Nhật Bản đủ điều kiện ký kết Hợp đồng cung ứng lao động ký năng đặc định, cụ thể:

Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm có Giấy phép hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm (có thu phí/hoặc miễn phí) do cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản cấp.

Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã công bố về danh mục Q&A các nội dung hỏi đáp liên quan tới chương trình lao động kỹ năng đặc định, theo đó: “Doanh nghiệp trực tiếp tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài không cần có Giấy chứng nhận tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định, tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp dự định tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định thì khi thẩm định hồ sơ xin cấp tư cách lưu trú cho lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài, doanh nghiệp tiếp nhận cần phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.

Các đối tác Nhật Bản đủ điều kiện ký kết hợp đồng cung ứng lao động kỹ năng đặc định ngành xây dựng gồm có các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm miễn phí. Trong đó, Hiệp hội nguồn nhân lực Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng (JAC) là một trong những tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm miễn phí do Bộ đất đai – Hạ tầng – Giao thông và Du lịch Nhật Bản quản lý. Hiệp hội JAC sẽ ký kết hợp đồng cung ứng lao động kỹ năng đặc định ngành xây dựng với doanh nghiệp phái cử và giới thiệu lao động tới các cơ quan tiếp nhận thành viên.

Theo Thu Cúc/baochinhphu.vn

Print Friendly, PDF & Email