Bất chấp đại dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP)cho biết tháng 6/2020, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam đạt 349,9 triệu USD, tăng 19,2% so với tháng 6/2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.
Đáng chú ý, XK tôm Việt Nam sang hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc trong tháng 6 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo.
Sáu tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 70,1% tổng XK tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 18,2%, còn lại là tôm biển. Tổng giá trị XK tôm chân trắng tăng 11% trong khi XK tôm sú giảm 15%. XK tôm chân trắng chế biến (mã HS 16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) tăng lần lượt 18% và 6%. XK tôm sú chế biến khác (HS16) tăng 32% trong khi XK tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) giảm 18%. XK tôm biển khô (HS 03) tăng mạnh nhất 100%.
Trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, XK tôm chân trắng có giá hợp lý tăng tốt hơn tôm sú, các sản phẩm tôm đã qua chế biến được tiêu thụ nhiều hơn so với sản phẩm tươi/sống/đông lạnh.
Không chỉ tăng XK sang Mỹ và Trung Quốc, tháng 6 năm nay, Việt Nam còn tăng XK tôm sang Hàn Quốc, Anh, Canada với mức tăng trưởng 2 con số.
Trong tháng 6/2020, trong top 4 thị trường nhập khẩu (NK) tôm chính của Việt Nam, XK tôm sang Nhật Bản và EU giảm. Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 18,3%. Tháng 6/2020, XK tôm sang Nhật Bản giảm 3,7% tuy nhiên nhờ tăng trưởng trong những tháng trước đó, nên XK tôm sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm đạt 278,2 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm sang EU trong tháng 6 giảm 7,9% tuy nhiên XK sang 2 thị trường đơn lẻ trong khối là Hà Lan và Bỉ lại tăng trưởng dương lần lượt là 11% và 17%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, XK sang EU đạt 200,7 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vươn lên vị trí dẫn đầu về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21,2%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 6/2020 tăng trưởng tốt 54,4% so với tháng 6/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19, XK tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay.
Trên thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề. Các nhà chế biến và XK tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.
Ấn Độ vẫn nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trong nhiều năm qua, chiếm 40% tổng NK tôm vào Mỹ. XK tôm Ấn Độ sang Mỹ đã bắt đầu giảm trong tháng 5/2020 sau khi tăng trong những tháng trước đó. XK tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5/2020 đạt 8.560 tấn, trị giá 72,1 triệu USD, giảm 58% về khối lượng và 56% về giá trị so với tháng 5/2019.
Ecuador vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 3 cho Mỹ. Trong tháng 5/2020, XK sang Mỹ 5.773 tấn tôm, trị giá 33,6 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và 32% về giá trị so với tháng 5/2019.
Ít nhất 17 nguồn cung đã giảm XK tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020 so với tháng 5/2019. Một số nguồn cung như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Na Uy không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu (NK) tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp nguồn cung giảm từ các nguồn cung trên.
Tháng 6/2020, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng trưởng tốt 23% đạt 57,7 triệu USD. Các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc đều đang gặp phải các khó khăn trong XK tôm sang thị trường này. Mới đây, Trung Quốc đình chỉ NK tôm từ 3 công ty của Ecuador với lý do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm. XK tôm Ấn Độ sang Trung Quốc cũng gặp khó do một số lô hàng bị trì hoãn thông quan tại các cảng Trung Quốc với lý do để giám sát COVID-19.
Giá tôm Việt Nam đã có xu hướng tăng trong tháng 6. Tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó. Do vậy, XK tôm của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan trong các tháng tới.
Bên cạnh thuận lợi, phân tích của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng lưu ý, trong bối cảnh các nước gia tăng diện tích nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới trong thời gian tới, giá tôm khó có thể phục hồi mạnh. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các yêu cầu về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ tác động đến XK thủy sản nói chung của Việt Nam và XK tôm nói riêng. Chưa kể, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.
Dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu sản phẩm thay đổi, đòi hỏi DN nhanh chóng nắm bắt.
Cụ thể, cùng với hàng rào thuế quan bị dỡ xuống, EU đã dựng lên hàng rào phi thuế khi đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Theo đó, từ ngày 31-3-2020, Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Các DN thủy sản của Việt Nam cần lưu ý cập nhật và đáp ứng quy định này để XK tôm vào EU không bị trở ngại trong thời gian tới.
Để khắc phục điểm yếu về truy xuất nguồn gốc, ông Trương Đình Hòe – Hiệp hội VASEP cho rằng người nông dân cần phải liên tục trao đổi với đầu mối thu mua, cũng như với các DN chế biến XK nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; cân nhắc tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả. Các DN cũng cần tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực… để tận dụng cơ hội từ EVFTA.
Theo Thu Hà/Vietq.vn