Dù có ý kiến phản đối mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân 11 triệu đồng/người/tháng là chưa phù hợp nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo lưu đề xuất này.
Theo đó, nội dung dự thảo nghị quyết điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng, qua đó giảm nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân.
“Với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên, sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi (trong đó có khoảng 1 triệu người đang thuộc diện phải nộp thuế sẽ không phát sinh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp) tương ứng với số thu thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm khoảng 10.300 tỉ đồng mỗi năm” – Bộ Tài chính thông tin.
Như vậy, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm về mức giảm trừ gia cảnh mới là 11 triệu đồng/tháng dù kiến nghị này từng nhiều lần vấp phải phản đối từ người dân và các chuyên gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng cách tính giảm trừ gia cảnh dựa vào tỉ lệ lạm phát 23,2% cuối kỳ là không hợp lý. Theo tính toán của ông, giai đoạn 2012-2019, lạm phát đã tăng đến 48%. “Do vậy, mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải từ 12,8 – 13,5 triệu đồng/cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 5,1-5,4 triệu đồng/người/tháng” – ông Thịnh nêu ý kiến.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ tháng 3-2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng Bộ Tài chính đã theo dõi CPI biến động để tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới là 11 triệu đồng/người/tháng. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mức điều chỉnh của bộ là phù hợp biến động giá cả.
Theo Ph.Nhung/Báo Người lao động