Bán mạnh cuối phiên, VN-Index mất gần 22 điểm

Thị trường trong nước ngày 20/4 giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, đây cũng là chuỗi giảm dài nhất kể từ cuối tháng 6/2020. Trong 11 phiên vừa qua, thị trường đã giảm 146,23 điểm, tương đương mất 9,55%, chỉ có vẻn vẹn 3 phiên tăng. Tâm lý nhà đầu tư hiện xuống rất thấp khi cứ vào phiên chiều, thị trường lại có nhịp giảm mạnh với hàng trăm cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn.

Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 21,73 điểm (-1,55%) còn 1.384,72 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 5,11 điểm (­0,35%) xuống 1.435,5 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 76 mã tăng/381 mã giảm, ở rổ VN30 có 10 mã tăng và 16 mã giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt 2,83% và 3,62%.

ban manh cuoi phien vn index mat gan 22 diem
Chỉ số VN-Index giảm 21,73 điểm (-1,55%) còn 1.384,72 điểm

Các cổ phiếu lớn đã gây sức ép lên thị trường phiên này là: GAS (­6,41%), GVR (-7%), VHM (-3,05%), BcM (-4,26%), SHB (­6,89%)… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: MSN (+3,15%), VCB (+0,9%), SAB (+1,84%), VIC (+0,63%), VHC (+4,31%)…

Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE còn 19.412 tỷ đồng so với mức 20.896 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân 24.400 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 653 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 696 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Trái với diễn biến bán mạnh của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại tiếp tục mua ròng 419 tỷ đồng. Lực mua tập trung ở các cổ phiếu như: GEX, DPM, STB, VIC, SSI… Ở chiều ngược lại, DGC, VHM, CII, GAS, PHR… là những cổ phiếu bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp đã lấy đi của thị trường hơn 100 điểm nhưng điều đáng nói là kể từ đầu tuần thị trường đóng cửa với hàng trăm cổ phiếu ở mức giá sàn, đây có thể là hiện tượng giải chấp cổ phiếu. Diễn biến thị trường đang khiến tâm lý nhà đầu tư xuống thấp, do vậy các ngưỡng kỹ thuật cũng không đáng tin cậy.

“Thị trường cần chững đà giảm để ổn định tâm lý, dòng tiền bắt đáy cũng đã xuất hiện trong phiên hôm nay khi nhóm bluechips chỉ giảm nhẹ và độ rộng thị trường cũng khá tích cực trong bối cảnh dòng tiền đang thoát ra khỏi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ”, MBS nhìn nhận.

Một số ý kiến khác thì cho biết, sau khi tăng điểm vào cuối phiên sáng, VN-Index đã quay đầu giảm trở lại từ đầu phiên giao dịch chiều. Áp lực bán dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc, trong đó VHM, BCM hay GAS là những mã tạo áp lực lớn nhất cho thị trường. Dòng bất động sản, xây dựng vẫn bị chốt lời mạnh với hàng loạt mã giảm sâu như IDJ, VCG, LCG, NBB, CII, DXG, HHV…

Đà giảm không chỉ tập trung ở nhóm bất động sản, xây dựng mà còn lan sang nhiều nhóm ngành khác như ngân hàng, chứng khoán, thép, phân bón, dầu khí… Tuy nhiên, VND, HCM, SSI, MBB, VCB,STB, ACB, NVB hiện vẫn đang giữ được sắc xanh tăng điểm.

Ngược dòng thị trường, nhóm thủy sản có phiên giao dịch tích cực với nhiều mã tăng mạnh như ACL, VHC, ANV…

Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho biết, chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn biến trái chiều trong phiên hôm nay. Nhà đầu tư đang chờ đợi chính sách hỗ trợ từ chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng nhất 2 năm qua tại nước này. Trong khi đó, thị trường trong nước tiếp tục giảm mạnh khi lực bán gia tăng mạnh ở hầu hết các nhóm ngành.

Trong phiên, chỉ số VN-Index có thời điểm hồi phục lên 1.410 điểm, nhưng chịu áp lực bán mạnh khiến chỉ số không thể duy trì được sắc xanh đến hết phiên. Diễn biến này cho thấy lực cầu khá yếu, các vùng hỗ trợ từ nền tháng 12/2021 và các đường MA200, MA250 liên tục bị phá vỡ. Chỉ báo RSI về dưới vùng 30, đi vào vùng quá bán, trong khi MACD tiếp tục mở rộng xuống phía dưới đường tín hiệu. Các nhịp hồi phục có thể sẽ sớm xuất hiện quanh vùng hiện tại. Tuy nhiên, xu hướng chính của chỉ số vẫn là giảm điểm. Các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị, nhà đầu tư cân nhắc tận dụng nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu, tránh mua đuổi trong các phiên hồi.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng