Bán khống: Cơ hội cao, rủi ro lớn

Một trong những điểm đáng chú ý nhất tại Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán (sửa đổi) là điều khoản cho phép nhà đầu tư giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm. Khái niệm bán khống vốn đã khá quen thuộc với nhà đầu tư nước ngoài nhưng nhà đầu tư trong nước vẫn còn khá xa lạ.

ban khong co hoi cao rui ro lon

Bán khống (short sell) là hình thức vay mượn chứng khoán từ công ty chứng khoán hoặc các tổ chức tài chính để bán với kỳ vọng rằng nó sẽ giảm giá để mua vào ở một mức giá thấp hơn và hoàn trả chứng khoán đã vay. Lợi nhuận từ mức giá chênh lệch thuộc về nhà đầu tư và các tổ chức tài chính/công ty chứng khoán sẽ nhận được hoa hồng hoặc khoản lãi trên giao dịch. Các loại hình chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu hay các sản phẩm phái sinh đều có thể được bán khống. Ngoài các quỹ tương hỗ hay quỹ phòng hộ, những nhà đầu tư cá nhân có đủ tài sản bảo đảm để vay mượn chứng khoán cũng có thể tham gia giao dịch bán khống.

Nếu Thông tư được sửa đổi và giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm được cho phép, các nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức sẽ đứng trước rất nhiều cơ hội kiếm lời từ các đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các công ty chứng khoán sẽ có cơ hội tăng doanh số đến từ hoạt động môi giới và tự doanh.

Thứ hai, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có thêm cơ hội kiếm được lợi nhuận từ biến động thị trường mà không cần sở hữu chứng khoán.

Thứ ba, thị trường chứng khoán nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ đứng trước cơ hội đón dòng tiền lớn đến từ khối ngoại.

Những lý do nói trên có thể là một động lực thúc đẩy Bộ Tài Chính sửa đổi Thông tư để mở ra những cơ hội mới cho thị trường chứng khoán Việt. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm rủi ro.

Với một thị trường còn non trẻ như thị trường chứng khoán Việt Nam, việc cho phép các nhà đầu tư bán khống có thể đem đến những tác động tiêu cực lên thị trường.

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp còn chưa minh bạch trong việc công bố thông tin, khiến cho các nhà đầu tư không có được một cái nhìn toàn cảnh về công ty, dẫn đến những sai sót trong việc đưa ra quyết định giao dịch.

Thứ hai, các nhà đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, dẫn đến áp lực bán mạnh khiến cho những nhà đầu tư tham gia vào hoạt động bán khống thua lỗ nặng.

Chính vì vậy, cần hết sức cẩn trọng việc thông qua điều khoản cho phép nhà đầu tư bán khống chứng khoán để phòng trừ những thiệt hại có thể xảy đến cho các nhà đầu tư.

Và do bán khống mang đến rất nhiều triển vọng cũng như rủi ro cho thị trường chứng khoán Việt Nam vì vậy, cần phải kiểm soát hoạt động bán khống một cách chặt chẽ để giảm thiểu những rủi ro tới mức thấp nhất.

Ngoài việc bắt buộc thế chấp tài sản bảo đảm để có thể vay chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể áp dụng những cơ chế quản lý thông tin hay cấm giao dịch bán khống ở một số thời điểm để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

Indonesia là một ví dụ điển hình của việc áp dụng thành công những chính sách nhằm giảm thiểàngủi ro liên quan đến hoạt động bán khống chứng khoán. Trong đợt bùng phát Covid-19 vừa rồi, Ủy ban Chứng khoán Indonesia (IDX) đã đề nghị các công ty chứng khoán từ chối yêu cầu bán khống của khách hàng do thị trường điều chỉnh sâu bởi tác động của dịch.

Trước đó, IDX cũng thường xuyên thanh tra các doanh nghiệp niêm yết và đưa ra danh sách cấm giao dịch bán khống với một số công ty không đủ điều kiện.

Nói tóm lại, giao dịch bán khống là một công cụ kiếm tiền tiềm năng cho các nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức nhưng cần sự kiểm soát chặt chẽ đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như cần được triển khai một cách thận trọng để giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng đối với các nhà đầu tư.

Theo Khôi Nguyên/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email