Categories Thị trường

Bamboo Airways – Hành trình và triển vọng (Kỳ 1): Hãng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác máy bay thân rộng

Việc tiếp nhận liên tiếp các máy bay mới, nhiều về số lượng và chuẩn về chất lượng, đã đóng vai trò then chốt trong việc đưa Bamboo Airways tới gần hơn mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất trên mọi chuyến bay.

Boeing 787-9 Dreamliner sẽ là dòng máy bay chủ lực khai thác các đường bay tầm trung và dài của Bamboo Airways.
Bamboo Airways và những bước bứt tốc ngoạn mục sau chỉ gần 12 tháng cất cánh, đã được nhiều nhà bình luận ví như một “case study” thú vị của thị trường hàng không Việt Nam vốn đang sôi nổi và nhiều vận động hơn bao giờ hết.
Khi đi vào phân tích “hiện tượng” Bamboo Airways, nhiều lý do đã được tính đến để lý giải cho thành công của tay chơi, đến từ cả thể chế chính sách, điều kiện thị trường, sức khỏe của nền kinh tế,… và cả nội lực của Bamboo Airways. Và khi đã đủ “thiên thời – địa lợi”, thì có vẻ yếu tố “nhân hòa” của câu chuyện Bamboo Airways đến từ 5 chìa khóa. Đầu tiên, đó là đội tàu.
Với xuất phát điểm chỉ 6 máy bay vào thời điểm mới cất cánh, đội bay Bamboo Airways gần như sẽ chạm mốc 22 máy bay chỉ sau gần một năm, bao gồm 2 chiếc Boeing 787-9 sắp nhận trong tháng 1/2019, qua đó chính thức trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác dòng máy bay thân rộng. Dự kiến đến tháng 1/2020, Hãng sẽ vận hành 4 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner.
Sau khi về với Hãng, chiếc Boeing 787-9 Dreamliner này sẽ được Bamboo Airways điều phối khai thác trên đường bay Hà Nội – TP.HCM ngay trong dịp Tết Canh Tý 2020 tới đây và tiến tới khai thác các đường bay nội địa khác như Hà Nội/TP.HCM – Đà Nẵng. Trong thời gian tiếp theo, đây được lãnh đạo Hãng xác định là dòng máy bay chủ lực khai thác các đường bay tầm trung và dài của Bamboo Airways tới châu Á, châu Âu, châu Mỹ, kết nối các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Séc, Úc, Mỹ…
Việc tiếp nhận liên tiếp các máy bay mới, nhiều về số lượng và chuẩn về chất lượng, đóng vai trò then chốt trong việc đưa Bamboo Airways tới gần hơn mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất trên các chuyến bay.
Tới năm 2020, Hãng dự kiến sở hữu đội bay gồm 50 chiếc và tới năm 2025, con số này được lên kế hoạch là 100 máy bay. Hai dòng máy bay chủ lực được xác định là A321 NEO đối với máy bay thân hẹp và Boeing 787-9 đối với máy bay thân rộng.
Có thể nói, lộ trình phát triển đội bay theo hướng hiện đại và chuẩn hóa đã phần nào chứng minh thuyết phục cho sự đầu tư quyết liệt, nghiêm túc và bài bản của Bamboo Airways trước thị trường, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư… trong việc hướng tới mục tiêu mà Hãng bay này đã đặt ra.
Vậy 4 yếu tố then chốt còn lại là gì, mời các bạn theo dõi tiếp trong trong các kỳ sau.
Nhằm cung cấp thêm thông tin chuyên sâu cho đông đảo nhà đầu tư quan tâm, vào ngày 22/12/2019 tại quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long (Quảng Ninh), sẽ diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Tiềm năng & Cơ hội đầu tư Bamboo Airways”.
Tọa đàm sẽ xoay quanh chiến lược kinh doanh, mục tiêu hoạt động của Bamboo Airways trong 10 năm tới, đồng thời giải đáp các câu hỏi về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Bamboo Airways.
Sự kiện dự kiến có sự góp mặt của 1.000 khách mời, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao thông vận tải - tài chính - chứng khoán, đối tác chiến lược, nhà đầu tư, khách hàng thân thiết, các đơn vị thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

Theo Trúc Mai/Bizlive