Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không mới cho Bamboo Airways có một số điều chỉnh quan trọng, trong đó có thay đổi người đại diện, tăng vốn điều lệ từ 700 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng, tăng quy mô khai thác đội bay từ 10 lên 30 chiếc…
Ngày 11-9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn đã ký và ban hành giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không mới cho Bamboo Airways, trong đó bao gồm một số điều chỉnh quan trọng như: Thay đổi người đại diện hãng theo pháp luật; tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp từ 700 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng; tăng quy mô khai thác đội bay từ 10 lên 30 chiếc; bổ sung các chi nhánh của Hãng tại Hà Nội, Thanh Hóa, TP HCM…
Theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP, 1.300 tỉ đồng là số vốn tối thiểu một doanh nghiệp cần có để được phép khai thác trên 30 máy bay cho vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế.
Trước đó, Bamboo Airways đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ GTVT cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do các thay đổi: Ông Trịnh Văn Quyết thay ông Đặng Tất Thắng làm người đại diện theo pháp luật; tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp từ 700 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng; tăng đội bay từ 10 lên 30 chiếc cho tới năm 2023; bổ sung các chi nhánh của hãng…
Nội dung giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không mới của Bamboo Airways đã được Cục Hàng không Việt Nam thẩm định và nhận xét đáp ứng được quy định tại Nghị định 92 về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận định rằng nguồn lực hiện tại của Bamboo Airways và kế hoạch đào tạo tuyển dụng là khả thi, có thể đảm bảo nguồn nhân lực khai thác đội máy bay đến 30 chiếc.
Thông tin từ Bamboo Airways cho biết những chiếc máy bay thân rộng đầu tiên theo đơn đặt hàng với Boeing dự kiến sẽ được bàn giao vào quý 4-2020. Do vậy, để phục vụ hoạt động trước mắt của hãng, Bamboo Airways đang lên kế hoạch thuê máy bay với các đối tác, tiến tới tiếp nhận và đưa vào khai thác mẫu máy bay Boeing 787-9 Dreamliner ngay trong tháng 10-2019.
Đại diện Bamboo Airways cho biết đến quý 1/2020, đội bay của hãng sẽ đạt 30 máy bay, dự kiến đặt mục tiêu tiếp tục phát triển lên 100 máy bay vào năm 2024.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, tới năm 2023, các hãng bay Việt Nam dự kiến khai thác tổng cộng từ 360 đến 380 máy bay.
Phương án tăng máy bay của các hãng bay Việt đã được Bộ GTVT thống nhất dựa trên quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 (Quyết định 236) và tình hình tăng trưởng trung bình 16%/năm của thị trường hàng không Việt Nam.
Theo kế hoạch này, Bamboo Airways từ đội bay 10 chiếc như hiện tại sẽ tăng dần lên 30 chiếc vào cuối năm 2023.
Vietjet Air sẽ tăng từ khoảng 67 máy bay lên 102-106 máy bay vào cuối năm 2023.
Nhóm Tổng công ty Hàng không Việt Nam, bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco đang khai thác 112 máy bay và tới cuối năm 2023, con số này dự kiến tăng lên mức 155-160 chiếc.
Như vậy tới cuối năm 2023, số lượng máy bay còn lại của hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không khác (nếu có) là khoảng 74-83 máy bay.
Không khai thác Airbus A330
Đại diện Bamboo Airways cũng nhấn mạnh hãng không có kế hoạch đưa vào khai thác thương mại dòng máy bay thân rộng Airbus A330 như một số thông tin thất thiệt gần đây trên báo chí và mạng xã hội. Định hướng mở rộng đội máy bay của Bamboo Airways thời gian tới đi theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, tập trung vào dòng máy bay thân rộng Boeing B787-9 Dreamliner và dòng máy bay thân hẹp Airbus A321. Tiến trình phát triển đội bay lên ít nhất 30 máy bay với các mẫu kể trên của Bamboo Airways đã được Chính phủ phê duyệt chính thức.
Theo D.Ngọc/NLĐO