Một sự kiện hy hữu mới đây là việc nhà đầu tư ngoại Kusto Group – cổ đông lớn nhất trong nhà thầu xây dựng Coteccons, đã gửi văn bản yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường, đồng thời đòi phế truất vị trí chủ tịch của ông Nguyễn Bá Dương và một số nhà lãnh đạo khác của công ty.
Nguyên nhân bùng phát của mâu thuẫn này đến từ giá cổ phiếu không ngừng lao dốc trong hơn 3 năm qua. Kể từ khi đạt đỉnh hơn 230.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2017, giá cổ phiếu CTD hiện đã thấp hơn 3 lần và chỉ còn xấp xỉ 70.000 đồng/cổ phiếu.
Theo cổ đông lớn thuộc nhóm Kusto Group, có sự xung đột lợi ích giữa Coteccons và công ty liên kết Ricons. Nhóm cổ đông này cho rằng Ricons là đối thủ cạnh tranh của Coteccons trong khi một số lãnh đạo chủ chốt của Coteccons cũng tham gia hội đồng quản trị Ricons khiến họ có động cơ giành nhiều tâm huyết Ricons hơn là công ty mẹ. Còn nhớ trong kỳ đại hội cổ đông một năm trước đây, Kusto Group đã phủ quyết việc Ricons sáp nhập vào Coteccons khi cho rằng việc sáp nhập khiến lợi ích của họ bị ảnh hưởng.
Năm 2015, lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons thì năm 2019 đã tăng lên thành 51%. “Các quản trị, quản lý và điều hành của đội ngũ lãnh đạo Coteccons đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của công ty khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông bị vi phạm”, nhóm Kusto Group cho biết.
Phản pháo lại quan điểm này, phía Coteccons cho rằng mục tiêu của hành động này nhằm hoàn tất thâu tóm doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam hiện nay. “Những cáo buộc vô căn cứ trong thông báo mới đây của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu công ty cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Sỹ Công – Tổng giám đốc Coteccons phản pháo.
Theo một chuyên gia tài chính, yêu cầu kiểm toán đặc biệt mà Kusto đề xuất sẽ tập trung và chuyên sâu về pricing (định giá) các giao dịch bên liên quan, các nhà thầu phụ, các quyết định tham gia thầu hay không, có thắng hay thua thầu vì sao. Đây là một trường hợp rất phức tạp và sẽ rất căng thẳng.
Nếu nhìn ở góc độ quản lý thì xung đột giữa các cổ đông của Coteccons – một công ty xây dựng tư nhân có quy mô hàng đầu Việt Nam là vấn đề thuộc về quản trị công ty (Corporate Governance), chứ không phải quản lý công ty (Corporate Management).
Quản trị công ty liên quan đến những vấn đề ở “thượng tầng kiến trúc” như điều lệ công ty, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, vấn đề bảo vệ quyền lợi cổ đông, phòng tránh xung đột lợi ích cổ đông, vấn đề minh bạch thông tin, kiểm soát các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến lợi ích của ban lãnh đạo, cấp quản lý trong công ty, đối xử bình đẳng đối với cổ đông… Trong khi đó quản lý công ty tập trung vào các hoạt động quản lý điều hành thường nhật của công ty như tiếp thị, bán hàng, sản xuất, cung ứng, tài chính, nhân sự, quản lý chất lượng. Những mâu thuẫn về quản trị thường sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của doanh nghiệp hơn là quản lý.
Có thể thấy mâu thuẫn giữa cổ đông lớn Kusto Group và ban lãnh đạo CTD thực tế đã âm ỉ từ cách đây vài năm. Hiện nay thị trường xây dựng đang vào thời điểm khó khăn là cơ hội chín muồi để nó trở thành một ngọn lửa lớn. Theo chứng khoán FPTS, dù mức giá hiện nay đang thấp so với giá trị nội tại của doanh nghiệp, nhóm tổng thầu dân dụng sẽ phải chịu thiệt hại lớn nếu tình hình dịch Covid-19 trở nên xấu hơn, do nhu cầu xây dựng dân dụng nhạy cảm với môi trường kinh tế, cộng thêm biên lợi nhuận gộp của tổng thầu dân dụng rất thấp.
Nếu mâu thuẫn nội bộ này không nhanh chóng có phương án giải quyết, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và kết quả kinh doanh của một trong những nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
Trong quá khứ, thị trường chứng khoán cũng dậy sóng với sự kiện mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông trong nước và nước ngoài tại Công ty Vicostone (VCS). Mâu thuẫn kéo dài này khiến giá cổ phiếu VCS đứng dưới mệnh giá trong thời gian dài.
Để giải quyết mâu thuẫn này, vào tháng 7/2014, ba cổ đông ngoại bất ngờ thoái vốn, cổ đông Phenikaa mua lại và nắm quyền kiểm soát Vicostone. Ông Hồ Xuân Năng cổ đông lớn nhất của Phenikaa trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vicostone. Giá cổ phiếu VCS đã phục hồi mạnh mẽ ngay sau đó và hiện đang đứng ở mức hơn 60.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Nam Minh/Thời báo Ngân hàng