Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm

Để giải bài toán thiếu hụt nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch, các chuyên gia cho rằng, cần chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, đặc biệt là nhân sự có chất lượng. Việc chủ động này diễn ra cả ở hai phía: các cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động.

Doanh nghiệp chủ động tìm người

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Viettourist (Q.4, TP. HCM) khẳng định, hiện tại đúng là rất thiếu nhân lực vì nguồn lao động cũ trong ngành, sau thời gian dài vì dịch Covid-19 đã chuyển đổi sang công việc khác như làm nhân viên tư vấn bảo hiểm, bất động sản… “Vì thế, sinh viên sẽ là nguồn lao động rất tốt cho doanh nghiệp lựa chọn, đào tạo thêm để đáp ứng được yêu cầu công việc trong tương lai”, ông Hải nói và cho biết thêm, sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ dành thời gian đào tạo lại về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí để người lao động hiểu tính chất công việc cũng như làm việc hiệu quả vì đa phần sinh viên mới ra trường đều chưa nắm rõ hoạt động du lịch.

Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm
Để giải bài toán thiếu hụt nhân sự, các công ty lữ hành trong thời gian qua đã chủ động lựa chọn những nhân sự mới là sinh viên về training, đào tạo lại để sẵn sàng cho du lịch được dự báo phục hồi vào năm sau. Ảnh: TST tourist

Cũng theo ông Hải, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch đã chủ động “tìm người” về đào tạo thêm để bù lại nhân sự chất lượng đã nghỉ việc do dịch; đồng thời đây cũng được xem là khâu chuẩn bị nhân sự cho mùa du lịch được dự báo sẽ khôi phục vào năm 2023. “Tại Viettourist, chúng tôi cũng đang có một số sinh viên của các trường đại học đào tạo về du lịch đến thực tập”, ông Hải chia sẻ. Qua mỗi đợt thực tập như vậy, doanh nghiệp sẽ có thời gian để nhận xét, đánh giá xem sinh viên nào có khả năng, thích hợp với những vị trí mà doanh nghiệp đang có ý định tuyển dụng. “Từ đó chú trọng đào tạo tập trung nhắm tới khi sinh viên ra trường sẽ giữ lại/mời về doanh nghiệp làm việc”, ông Hải nói thêm.

Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm
Để gia tăng giá trị thực tế, nhiều trường đại học cũng sẵn sàng mời giảng viên thỉnh giảng là những chuyên gia trong ngành về giảng dạy cho sinh viên. Ảnh: THU HÒA

Ngoài ra, cũng theo ông Hải, hiện nay rất nhiều trường đại học, cao đẳng và cả trung cấp có đào tạo về du lịch thường mời giảng viên (đáp ứng đủ điều kiện giảng dạy – PV) về thỉnh giảng một số môn thiên về thực hành, thực tế để sinh viên nhanh chóng tiếp cận được kiến thức thực tế, kinh nghiệm từ các giảng viên vốn là thành viên trong ban giám đốc của các công ty du lịch. Qua việc giảng dạy, các giảng viên cũng thường hướng cho sinh viên khi ra trường lựa chọn những công ty du lịch để xin vào làm việc. Đây như một gợi ý thêm cho sinh viên nhằm đảm bảo có những vị trí công việc phù hợp cho sinh viên mới ra trường.

Ông Thi Quốc Duy – Giám đốc Trung tâm du lịch khách lẻ BenThanh Tourist, lại cho rằng, du lịch là ngành dịch vụ và sản phẩm phải thay đổi liên tục để hấp dẫn khách hàng. Vì thế, ngay cả những nhân sự lâu năm vẫn phải liên tục trau dồi kiến thức, kinh nghiệm xử lý các sự cố phát sinh (nếu có) chứ không chỉ sinh viên ra trường mới phải học về kỹ năng.

Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm
Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, vì thế theo chia sẻ của các đơn vị lữ hành, ngay cả nhân sự lâu năm vẫn phải thường xuyên bổ sung kiến thức. Ảnh: TST tourist

Đồng tình về điều này, ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên – Giám đốc kinh doanh Công ty Dịch vụ & Du lịch Việt Promotion, cho biết thêm, đây là giai đoạn bước đệm để hồi phục du lịch. “Doanh nghiệp bị tổn thương và thiệt hại nhiều trong 2 năm dịch Covid-19 nên việc đầu tư nhân sự ồ ạt cũng hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch còn sức có thời gian lựa chọn, đào tạo nhân sự và duy trì chất lượng theo hướng mình mong muốn”. Trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn do chiến tranh, lạm phát bấp bênh, nhân sự du lịch cũng như doanh nghiệp sử dụng nhân sự đang cân nhắc trong tuyển dụng. “Sàng lọc và đào thải cũng là cơ hội để doanh nghiệp du lịch tìm ra những nhân tố mới, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động cần sự đa năng của ngành du lịch sau dịch”, ông Nguyên nói thêm.

Nhà trường đẩy mạnh “thực nghiệm”

Trong khi đó, ở phía các cơ sở đào tạo, với việc xác định sinh viên là chủ thể của đào tạo, từ lâu trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist đã áp dụng giảng dạy với 70% khối lượng thiên về thực hành, 30% kiến thức lý thuyết.

Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm
Các buổi kiến tập thực tế sẽ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với công việc. Ảnh: THU HÒA

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thạnh, Trưởng bộ môn Lễ tân của nhà trường cho biết, thời lượng thực hành chiếm hơn 2/3 tổng thời lượng học tập sẽ giúp sinh viên nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, sinh viên năm 2 của trường sẽ có khoảng hai tháng để được gửi đến các doanh nghiệp như khách sạn Rex, khách sạn Majestic và khách sạn Continental thực tập.

Cũng theo Thạc sĩ Thạnh, sau dịch Covid-19, số lượng sinh viên theo ngành du lịch chỉ đạt khoảng 1/4 so với trước dịch. Ông Thạnh đánh giá, “đây là do tâm lý của sinh viên lo sợ không biết học ra trường trong bối cảnh dịch thế này sẽ ra sao. Mặc dù vậy, lớp Lễ tân dành cho khách sạn 5 sao vẫn thu hút đông học viên như giai đoạn trước dịch”. Ông Thạnh cũng cho rằng, với thế mạnh là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn MTV, hệ thống khách sạn trải dài trên cả nước khiến ngành này vẫn thu hút đông người học vì tỷ lệ ra trường có việc làm ngay.

Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm
Sinh viên Khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn Trường Đại học Công nghệ TP. HCM tham gia một khóa học kỳ doanh nghiệp. Ảnh: THU HÒA

Các trường Đại học như Nguyễn Tất Thành, Văn Lang, Văn Hiến, Văn Hóa… có đào tạo về ngành Du lịch từ lâu cũng đã đẩy mạnh thời lượng kiến tập tại doanh nghiệp dành cho sinh viên. Theo Thạc sĩ Dương Thanh Tùng, giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, các môn học thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp là quy định bắt buộc trong quá trình đào tạo. “Việc sinh viên tham gia học kỳ doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong chương trình đào tạo của hầu hết các khoa Du lịch. Chương trình học kỳ doanh nghiệp, kiến tập thực tế trên đường tour… theo đó sẽ giúp sinh viên tiếp cận được nhu cầu công việc thực tế, nắm được kiến thức và kỹ năng để tự trau dồi cho bản thân dựa vào kiến thức lý thuyết đã học”, ông Tùng phân tích.

Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm
Một buổi trong chương trình Học kỳ doanh nghiệp của sinh viên. Ảnh: THU HÒA

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa – Phó trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM cho biết thêm, với chương trình đại học kéo dài 4 năm, lý thuyết và thực tiễn đan xen, trong đó mỗi năm tăng cường học thực hành và thực tế.

Cụ thể, theo tiến sĩ Hòa, ngành Nhà hàng – Khách sạn ngay từ năm đầu đã đi kiến tập thực tế ở các hệ thống khách sạn 5 sao tại Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu … Sang năm 2 sẽ tham gia kỳ học tại doanh nghiệp ít nhất 3 tháng; sinh viên năm 3 thì thăm quan hệ thống nhà hàng, khách sạn 5 sao tại TP. HCM, thực hành các môn chuyên ngành.

“Tương tự ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, sinh viên năm nhất sẽ có tour nhập môn, sang năm 2 sẽ đi thực tập tour miền Tây, năm tiếp theo thực tập tour miền Trung. Các môn học chuyên ngành như Thiết kế và điều hành tour; nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, hoạt náo … sinh viên sẽ được học và thực hành thực tế…”, tiến sĩ Hòa nói rõ.

Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm
Giảng viên thỉnh giảng (áo dài xanh) sẵn sàng chia sẻ với sinh viên những vấn đề liên quan tới công việc. Ảnh: THU HÒA

Cũng theo Phó trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM, việc bố trí nhiều hơn số lượng thời gian thực hành để sinh viên thực nghiệp, rút ngắn thời gian đào tạo lại ở các công ty tuyển dụng giúp sinh viên tiếp cận công việc ngành nghề theo học trong lĩnh vực du lịch, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, tiếp thu và trao dồi các kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu trong giai đoạn mới.

Hiện nay, nhiều bạn sinh viên du lịch đang có tâm lý nản bởi không biết học ra trường trong bối cảnh dịch thế này sẽ ra sao. Ở góc độ doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nhân sự, ông Lê Hòa Hiệp – Giám đốc Công ty Du lịch Hi Travel, cho rằng, không chỉ ngành du lịch bị ảnh hưởng mà gần như mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì thế, khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các bạn sinh viên hãy làm tốt nhiệm vụ của việc học.

Bài 2: Chủ động đào tạo, chú trọng thực nghiệm
Sinh viên đang lắng nghe những chia sẻ về nghiệp vụ du lịch tại một khách sạn trong chương trình Học kỳ doanh nghiệp. Ảnh: THU HÒA.

Bên cạnh đó, dưới góc độ là nhà tuyển dụng, ông Hiệp cũng cho rằng, khi có cơ hội thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp, sinh viên hãy tận dụng tối đa khoảng thời gian này để học hỏi với một thái độ cầu thị và nghiêm túc. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi sinh viên ra trường và có ý định quay trở lại đơn vị thực tập để xin việc vì đã tạo được thiện cảm trước đó. Ông Hiệp nói thêm, trong bối cảnh như hiện nay, sinh viên cần trau dồi thêm kiến thức ở các lĩnh vực khác, trong đó ngoại ngữ sẽ là yếu tố quan trọng đối với sinh viên theo học ngành du lịch.

Cả nước hiện có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường Đại học có khoa Du lịch, 55 trường Cao đẳng, 71 trường Trung cấp, 4 Trung tâm về dạy nghề. Với khách sạn, các chuyên ngành chủ yếu ở trình độ trung cấp và dạy nghề… Công tác đào tạo nhân lực du lịch dù đạt tới kiến thức, kỹ năng theo các tiêu chuẩn đã được thỏa thuận trong khu vực và mở rộng ra phạm vi toàn cầu nhưng chưa đạt kỳ vọng. Cơ sở du lịch ngày càng tăng, nhưng năng lực đào tạo còn hạn chế. Tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở không đồng nhất; cơ sở đào tạo manh mún, nhỏ lẻ …

Theo Nguyễn Nam/Lao động&Công đoàn

Print Friendly, PDF & Email