Bài 1: Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao

Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Trong khi đó, hiện nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế…

Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” xảy ra trong ngành Du lịch khiến các doanh nghiệp trong ngành du lịch sau khi tuyển dụng phải “đào tạo lại”. Giải bài toán này, các doanh nghiệp du lịch chấp nhận dành thời gian để “đào tạo lại” người mới, đón đầu sự khôi phục của ngành. Các trường cũng “đẩy” nhiều hơn thời lượng thực hành để sinh viên thực nghiệm nhiều hơn, rút ngắn thời gian “đào tạo lại” ở các công ty tuyển dụng. Một số trường, bộ môn cũng đã thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để tạo đầu ra cho sinh viên.

Dịch Covid-19 khiến lực lượng lao động ngành Du lịch biến động, nhiều người bỏ nghề hoặc chuyển nghề đã dẫn đến thực trạng thiếu nhân lực trong ngành, nhất là nhân lực có chuyên môn, chất lượng. Trong khi đó, nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Thiếu hụt nhân sự trầm trọng

Một khảo sát tại TP. HCM vào cuối năm 2021 cho thấy, số lao động ngành Du lịch chuyển sang nghề khác chiếm 26%; số lao động có ý định chuyển nghề sau dịch 33%. Lao động du lịch mất việc, chuyển nghề có thâm niên nghề 5-10 năm chiếm 43,66%; số lao động có thâm niên nghề trên 10 năm 23,56%; số lao động có trình độ cao đẳng/đại học chiếm 51,31%; lao động có trình độ sau đại học chuyển sang nghề khác chiếm 90%; số lao động là nhân viên văn phòng lữ hành, hướng dẫn viên chuyển nghề 85,1%; số lao động là hướng dẫn viên chuyển nghề/số hướng dẫn viên chiếm 70,3% (trong đó nhiều hướng dẫn viên sử dụng được 2-3 ngoại ngữ).

Bài 1: Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao
Khi hoạt động du lịch khôi phục sau dịch, nhân sự là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp du lịch. Trong ảnh: Đội ngũ nhân viên đang tư vấn tour cho du khách. Ảnh: Vietravel.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu, nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương. Dịch Covid-19 kéo dài và tác động lớn đến ngành Du lịch khiến doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ khiến 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.

“Hiện nay công ty chỉ còn khoảng 85 người, giảm 50% tổng số nhân sự so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 đến”, ông Nguyễn Văn Mỹ – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, chia sẻ và cho biết, dịch Covid-19 khiến lực lượng lao động ngành Du lịch biến động, nhiều người bỏ nghề hoặc chuyển nghề đã dẫn đến thực trạng thiếu nhân lực trong ngành, nhất là nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chưa bàn tới việc nhân sự nghỉ việc hoặc chuyển nghề do đại dịch, bình quân mỗi năm ngành Du lịch Việt Nam đã thiếu khoảng 25.000 lao động làm việc trong ngành Du lịch. Do tác động mạnh của đại dịch Covid-19, lượng khách quốc tế và cả nội địa đã suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, đối với người lao động trong ngành Du lịch, hàng triệu người đã phải nghỉ việc. “Dịch bệnh khiến hoạt động du lịch bị đóng băng, nhiều lao động phải chuyển nghề để mưu sinh dẫn đến thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong ngành Du lịch từ trước tới nay”, ông Thọ nói và cho biết thêm, TP.HCM được xem là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho khu vực miền Nam và cả nước, với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp. Trung bình hằng năm, có khoảng hơn 15.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học, nhưng nhu cầu lao động của ngành cần tới 40.000 lao động.

Bài 1: Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao
Theo dự báo của Vụ Khách sạn, giai đoạn 2022 – 2030, trung bình mỗi năm cần bổ sung trên 60.000 lao động. Ảnh minh họa: IT.

Xét riêng nhân lực trong lĩnh vực khách sạn, bà Cao Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 50%, định mức chưa tới 0,6 lao động/buồng. Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng.

“Đặc biệt thiếu nhân sự vào thời điểm cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng/miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định”, bà Cao Thị Ngọc Lan nhìn nhận.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Trang – Phó giám đốc khách sạn 3 sao Viễn Đông (TP.HCM) cho biết thêm, nhiều khách sạn thiếu hụt lao động do các cơ sở lưu trú 4, 5 sao “hút” người. Hay như tại hội thảo Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực nhằm khôi phục và phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam diễn ra chưa lâu, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Silk Path, thừa nhận hiện nhân viên của khách sạn chủ yếu là sinh viên thực tập, bán thời gian và thời vụ, đặc biệt là bộ phận buồng phòng. Hơn nữa, trong thời kỳ hậu dịch bệnh khủng hoảng nhân sự, có tình trạng các khách sạn tranh giành nhân lực. Đó là chưa kể khi tuyển dụng, các ứng viên đều yêu cầu mức lương “vượt khung” khiến doanh nghiệp gần như khó tuyển được người.

Theo các doanh nghiệp, nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 50 – 60% nhu cầu thị trường, chưa kể xử lý các công việc phát sinh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn vì nhiều cựu nhân viên kinh doanh hoặc giám đốc điều hành đã ổn định công việc mới như tư vấn bảo hiểm hoặc làm việc trong lĩnh vực bất động sản.

Bài 1: Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao
Để sẵn sàng cho giai đoạn hồi phục du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đã dành thêm thời gian để training, đào tạo nhân viên. Ảnh: TST tourist.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trước dịch, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Đến nay, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 70.000 buồng nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 30.000 người, nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.

Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Nguyễn Thanh Bình, dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan. Theo đó, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu lao động, giai đoạn 2022 – 2030, trung bình mỗi năm cần bổ sung trên 60.000 lao động.

Khó tuyển nhân sự cao cấp, có chất lượng

“Chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng vị trí Phó tổng giám đốc nhưng đã đăng tuyển hơn 2 tháng vẫn không tìm được ứng viên đáp ứng yêu cầu”, ông Nguyễn Viết Hùng – Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch buýt đường sông Bình Dương nói và cho biết, rất ít nhân sự nộp hồ sơ ứng tuyển vì yêu cầu công ty đưa ra vừa phải có kinh nghiệm trong ngành và địa điểm làm việc không phải ở TP.HCM.

Bài 1: Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao
Sau dịch Covid-19, nhân sự trong ngành Du lịch biến động lớn. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, nhiều người đã bỏ nghề hoặc chuyển sang lĩnh vực khác khiến nhân sự bị thiếu hụt trầm trọng. Ảnh: Nguyễn Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Hùng, nhu cầu lao động trong lĩnh vực du lịch rất lớn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tuyển nhân sự ở các vị trí chủ chốt do tâm lý của người lao động sau dịch không còn mặn mà và quá yêu thích nghề. “Những ứng viên còn trụ được với công việc thì không thể kéo về công ty mình, ứng viên khác đáp ứng yêu cầu thì hạn chế về điều kiện làm việc”, ông Hùng nói thêm: “Với nhân sự cao cấp, có chất lượng, bài toán tuyển người và giữ người luôn khiến doanh nghiệp đau đầu”.

Trong khi đó ở lĩnh vực lưu trú, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết hiện nay nhiều khách sạn đang thiếu hụt nhân lực nhưng khó kiếm được người có kỹ năng và chuyên môn phù hợp. “Việc tuyển lao động có kinh nghiệm, có chuyên môn tốt rất khó khăn, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ”, bà Bình thừa nhận.

Cũng theo chia sẻ của bà Bình, một trong những thách thức đối với nhân sự ngành Khách sạn chính là ảnh hưởng của hội nhập quốc tế. “Các nước ASEAN đã ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong du lịch, lao động các nước ASEAN có chung bộ tiêu chuẩn nghề và có thể tự do đi làm việc trong khu vực” bà Bình nói và cho rằng điều này sẽ hạn chế cơ hội đối với lao động Việt Nam nếu người Việt không cải thiện được chuyên môn nghiệp vụ và năng suất lao động.

Bài 1: Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao
Nhiều doanh nghiệp du lịch chấp nhận tuyển dụng người chưa có kinh nghiệm vào và đào tạo. Ảnh minh họa: TST tourist.

Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được nhu cầu của du khách ở các cấp độ khác nhau đang là việc hết sức cấp bách, cần sự phối hợp từ các cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định, đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ lưu trú.

Theo Nguyễn Nam/Lao động&Công đoàn